PV GAS nỗ lực cho những mục tiêu mới

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:26, 06/03/2023

(TN&MT) - Với việc hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, xác lập kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 vừa qua, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã tiếp tục ghi thêm những thành tựu mới vào lịch sử 33 năm hình thành và phát triển của Tổng công ty, tiếp tục khẳng định thương hiệu uy tín, lá cờ đầu trong nhiều năm liền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đó là niềm tự hào, đồng thời cũng là thách thức lớn để PV GAS có thể “vượt qua chính mình”, vươn tới những thành công mới.

Đương đầu với mục tiêu thách thức mới

Năm 2022, PV GAS đạt doanh thu 100,7 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2021. Với kết quả này, PV GAS đã lập kỷ lục doanh thu lợi nhuận cao nhất kể từ khi thành lập; khẳng định vai trò của một doanh nghiệp năng lượng nổi bật, dẫn đầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp tục là Lá cờ đầu ngành công nghiệp Khí. Những kết quả đáng tự hào của năm 2022 là nền tảng vững chắc, động lực to lớn để tập thể lãnh đạo, người lao động PV GAS bước tiếp vào năm mới, giai đoạn phát triển mới.

01.jpg
PV GAS là lá cờ đầu của Petrovietnam nhiều năm liền. Ảnh: Phạm Quang Thuần

Bước sang năm 2023, hoạt động SXKD của PV GAS dự kiến sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức ngày càng nhiều: Việc dừng chiến sự giữa Nga - Ukraine khó dự đoán, chính sách tài chính/phát triển kinh tế của nhiều nước lớn sẽ có nhiều điều chỉnh cho phù hợp, sẽ tác động đến nhiều mặt, trong đó có nhu cầu, giá dầu và giá các sản phẩm từ dầu mỏ (biến động, khó dự báo). Thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung và PV GAS đã chiếm 70% thị phần nên dư địa cho tăng trưởng sẽ khó khăn. Các đơn vị sản xuất ống, bọc ống chưa có dự án lớn để triển khai. Nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí có giá rẻ giảm sâu, thay thế vào đó là nguồn khí có giá cao chiếm tỷ trọng lớn. Sự phát triển nóng của các loại hình năng lượng tái tạo đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi bức tranh tổng thể về nhu cầu và cơ cấu năng lượng trong nước. Nhu cầu khí/LNG cho công nghiệp và phát điện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định (huy động của EVN, tăng trưởng kinh tế,…) gây khó khăn cho công tác tiêu thụ khí cũng như xác định khối lượng LNG nhập khẩu trong ngắn và trung hạn.

Trong bối cảnh đó, năm 2023, PV GAS sẽ tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nỗ lực đảm bảo an toàn, hiệu quả các hoạt động SXKD và đầu tư; hướng đến mục tiêu tăng trưởng doanh thu; đẩy mạnh mở rộng thị trường; tập trung phát triển thị trường tiêu thụ khí ngoài điện; chuẩn bị thị trường tiêu thụ LNG; nghiên cứu, tìm kiếm, phát triển các nguồn khí mới trong, ngoài nước; đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu các phương án cấp khí tại miền Bắc, miền Tây và Đông Nam Bộ…; Tham gia đầu tư thượng nguồn khi có điều kiện và đảm bảo hiệu quả; … Các hoạt động SXKD gắn liền với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam và hướng đến sự phát triển bền vững. Các định hướng này, nhằm nỗ lực duy trì hiệu quả và tăng trưởng trong hoạt động SXKD, một mục tiêu rất thách thức hằng năm của PV GAS.

02.jpg

Tập trung khai thác các động lực, dư địa tăng trưởng

Để triển khai thành công các mục tiêu nhiệm vụ SXKD năm 2023, lãnh đạo PV GAS đã ban hành các văn bản phân giao nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đến từng ban/đơn vị cùng với các giải pháp/nhiệm vụ trọng tâm được xác định. Đặc biệt, PV GAS sẽ nỗ lực tìm kiếm, đánh giá và khai thác hiệu quả các động lực, dư địa tăng trưởng trong SXKD như: Đầu tư tài chính, M&A, khả năng kinh doanh dịch vụ hạ tầng khí, chế biến sâu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới;…

Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả trong hoạt động SXKD những năm vừa qua, trong năm 2023 PV GAS sẽ tiếp tục chú trọng công tác phân tích dự báo các biến động địa kinh tế - chính trị để xây dựng các giải pháp linh hoạt phù hợp với đặc thù hoạt động nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra; Tiếp tục tăng cường công tác quản trị, quản lý/sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính; Thực hiện tăng tốc chuyển đổi số và xây dựng hệ thống ERP phù hợp với hoạt động của PV GAS và thống nhất, đồng bộ với Petrovietnam; Rà soát, sửa đổi/bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định nội bộ cho phù hợp với các văn bản của Nhà nước, Petrovietnam và trên tinh thần tăng tính chủ động.

Bên cạnh đó, một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể PV GAS sẽ tập trung thực hiện như: Xem xét gia tăng hiệu quả khai thác tài sản, hạ tầng các công trình khí; nghiên cứu chế biến sâu, gia tăng giá trị khí; trước tiên thực hiện các thủ tục để tăng sản lượng khí qua GPP Dinh Cố từ 5,8 triệu Sm3/ngày lên 6,1 triệu Sm3/ngày, đưa thêm khí TU-8 vào bờ; Tập trung tháo gỡ khó khăn/vướng mắc, sớm ký kết các hợp đồng/phụ lục hợp đồng mua bán khí/LNG/LPG đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện và làm cơ sở thực hiện các công việc liên quan; Phối hợp chặt chẽ với EVN để đảm bảo tiêu thụ khí ít nhất theo sản lượng kế hoạch (5,5 tỷ m3) bên cạnh phát triển khách hàng tiêu thụ khí ngoài điện; Đẩy mạnh kinh doanh LPG, đặc biệt tại nước ngoài để gia tăng doanh thu; rà soát, xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với tình hình mới; Hoàn thành các thủ tục, đưa kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải vào chạy thử trong quý 3 năm 2023…

bn-lpg_2-1-.jpg

Ghi nhận những đóng góp, kết quả rất xuất sắc của PV GAS và với mong muốn PV GAS tiếp tục nỗ lực cho các mục tiêu, khát vọng cao hơn, phát triển doanh nghiệp “từ tốt đến vĩ đại”, cũng như kỳ vọng PV GAS là “quả đấm thép” cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Tập đoàn, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ SXKD năm 2023 với PV GAS vừa qua, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh 2 nhiệm vụ quan trọng PV GAS cần lưu ý triển khai trong năm 2023 cũng là quan điểm chỉ đạo nhất quán trong toàn Tập đoàn: Thứ nhất là xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với những nền tảng văn hóa Petrovietnam và bản sắc của PV GAS. Văn hóa gắn với khát vọng doanh nghiệp. Văn hóa bao giờ cũng đi trước, định hướng, tạo đà cho sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là tập trung công tác quản trị cả bên ngoài và bên trong, tối ưu hóa mô hình quản trị đồng bộ với mô hình kinh doanh phù hợp với các xu hướng dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi số; Hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống quy định quản trị nội bộ,… trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực, xây dựng chiến lược, tái cấu trúc, quản trị rủi ro nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Về sản xuất kinh doanh, Tổng Giám đốc Petrovietnam nhất trí với các nhóm giải pháp PV GAS đưa ra, nhấn mạnh các giải pháp trong “sản xuất kinh doanh và đầu tư - tài chính” như: Xác định rõ các mục tiêu ngắn, trung, dài hạn để có bước triển khai hợp lý; Tập trung công tác phân tích dự báo, nắm bắt xu hướng kinh tế vĩ mô, thị trường để điều chỉnh, cập nhật cho kế hoạch SXKD; Tập trung đánh giá các tài sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, xây dựng phương án kinh doanh hạ tầng; Nghiên cứu phát triển thị trường nhiên liệu, đa dạng sản phẩm; Tập trung phân tích, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường kinh doanh quốc tế, trên cơ sở kết nối, tận dụng ưu thế thị trường của các đơn vị trong Tập đoàn; từng bước mở rộng, dịch chuyển mô hình kinh doanh; phục hồi sản xuất ở các đơn vị/dự án khó khăn; xây dựng, quản trị danh mục đầu tư gồm đầu tư phát triển, đầu tư tài chính, gắn với chiến lược phát triển kinh doanh, phát triển sản phẩm, đồng bộ với cơ sở hạ tầng;…

Với truyền thống văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, phương châm “Đoàn kết - Đổi mới- Chuyên nghiệp - Hành Động, sự nỗ lực quyết tâm cao trong toàn hệ thống, tập thể PV GAS tiếp tục nỗ lực cho những mục tiêu mới, hướng đến một năm 2023 thành công ấn tượng hơn nữa.

PV