Những chiến sỹ đặc biệt của Bộ đội Biên phòng
An ninh trật tự - Ngày đăng : 21:03, 05/03/2023
Pokka sẵn sàng chờ nhiệm vụ mới
Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng cử sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa nhân đạo mà nước bạn vừa phải trải qua, Pokka (tên của chú chó becgie được đào tạo nghiệp vụ) cùng 5 chú chó nghiệp vụ (CNV) và các cán bộ, chiến sĩ Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tập luyện trở lại để sẵn sàng chờ nhiệm vụ mới được giao.
Sáng 3/3, đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) (3/3/1959 - 3/3/2023), 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2023), Pokka đã cùng 05 “đồng chí” của mình và các huấn luyện viên (HLV) tập luyện các bài tập tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giám biệt nguồn hơi, truy tìm săn đuổi mục tiêu… Nhờ những bài tập thường xuyên như này Pokka và 05 “đồng chí” của mình đã lập được thành tích lớn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua cũng như nhiều cuộc cứu hộ trong nước.
Là “chiến sĩ quân khuyển” xông xáo nhất trên đất bạn, Pokka đã bị thương. Tuy nhiên, rất may mắn là vết thương đó cho đến nay của Pokka đã tương đối bình phục.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng - Huấn luyện viên Khoa giám biệt nguồn hơi, Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã gắn bó 8 năm với Pôka . “Khi chứng kiến Pôka bị thương mình cảm thấy đau xót như mình bị thương vậy. Rất đau nhưng Pocka cũng đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Cả chó và người đều phải cố gắng tìm kiếm người mất tích với tinh thần quốc tế cao cả” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng nói.
Mặc dù điều kiện khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm từ -60C đến -100C; lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt cho bộ đội thiếu thốn đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội và chó nghiệp vụ.
Qua 6 ngày, Đoàn công tác tổ chức triển khai tìm kiếm và phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nước sở tại, Bahrain, Mexico (từ ngày 14/2 đến ngày 19/2/2023), Đội sử dụng chó nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn đã triển khai tìm kiếm xác định 31 điểm, phát hiện 15 vị trí có nạn nhân trong đống đổ nát, đưa được 38 nạn nhân ra khỏi đống đổ nát (gồm 26 thi thể và 2 nạn nhân khả năng còn sống).
Như những người thân…
Không chỉ Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng và Pocka, ở Trường Trung cấp 24 Biên phòng, mỗi một HLV và “chiến sỹ quân khuyển” đều yêu thương, chăm sóc như chính người thân yêu của mình.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, tham gia cứu hộ cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi chó nghiệp vụ đánh hơi tìm nạn nhân ở những chỗ ngóc ngách, nguy hiểm các chiến sĩ biên phòng cũng phải lần theo dấu vết, phải theo sát cùng chó nghiệp vụ vào sát các vị trí.
“Ở đó (Thỗ Nhĩ Kỳ - pv), động đất, nhà cửa sập đổ, có rất nhiều các mảnh kính, sắt, đất đá, betong sắc lẹm, những chú chó của mình phải liên tục tìm kiếm, đào bới dẫn đến chấn thương và rình rập với tử thần bất kỳ lúc nào”.
“Tôi vui khi Pôka phát hiện, đánh hơi thấy nơi có người bị nạn, nhưng tôi cũng buồn khi Pôka bị thương trong đống đổ nát với nỗ lực tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Pôka luôn đồng hành với tôi như một người bạn, người đồng chí trung thành”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng cho hay.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Khoa giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: Khi tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện phức tạp do thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất đá, các huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ phải lường trước các tình huống công trình sập đổ gây nguy hiểm đến tính mạng người và chó nghiệp vụ. Việc huấn luyện chó nghiệp vụ là cả một quá trình rất công phu, đòi hỏi lòng say mê, tâm huyết với nghề, yêu quý chó.
"Mỗi chú chó thích cái gì, phải biết được khi nào nó mệt mỏi, khi nào nó khỏe mạnh để huấn luyện, đưa các bài tập phù hợp để giúp cho chó nâng cao sức chiến đấu, phát huy cao độ khả năng vượt trội về khứu giác. Từ đó chúng tôi tiến hành xây dựng thao trường, bãi tập tương tự như những vụ sạt lở đất đá, sập đổ công trình để tiến hành huấn luyện” - Thượng tá Nguyễn Trung Kiên cho hay.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới thì những người lính đặc biệt này cần được đào tạo hơn nữa
Sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong mọi tình huống
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: Đào tạo HLV và (CNV) phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các mục tiêu kinh tế quan trọng, tìm kiếm cứu nạn... là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Trường Trung cấp 24 Biên phòng.
Kể từ khi thành lập, từ 2 chuyên ngành huấn luyện chó chiến đấu và huấn luyện chó canh gác bảo vệ mục tiêu, hiện nay, nhà trường đã phát triển lên 5 chuyên ngành huấn luyện, gồm: Chó chiến đấu; chó phát hiện ma túy; chó phát hiện chất nổ; chó tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo được 102 khóa, lớp với gần 3.000 huấn luyện viên và gần 3.000 CNV.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, đối ngoại, hợp tác quốc tế chính là mục tiêu Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã, đang và sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, bởi đây là vấn đề tất yếu trong thời kỳ hội nhập. Ngay từ ngày đầu thành lập và trong suốt quá trình phát triển, trưởng thành, nhà trường luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, như: Sinh sản, tạo nguồn gen, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện CNV và đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên...
Tiếp nối chiến công trong thời gian qua, đặc biệt là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, đại tá Thuyên chia sẻ, quan điểm của nhà trường là muốn xây dựng một khoa độc lập, đó là khoa tìm kiếm cứu nạn để tham gia tìm kiếm cứu nạn ở trong nước và quốc tế. Trong đó khâu đầu tiên là phải đảm bảo từ huấn luyện viên, tuyển chọn những chú chó khỏe mạnh, xây dựng hệ thống thao trường đồng bộ phục vụ cho việc đào tạo, huấn luyện.
“Rèn luyện, sử dụng quân khuyển tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt lạnh giá như ở Thổ Nhĩ Kỳ hay nắng nóng như ở các nước châu Phi, mưa lũ sạt lở núi thường xuyên như ở các tỉnh miền Trung nước ta… đòi hỏi việc đào tạo huấn luyện chó nghiệp vụ rất công phu”.
Chính vì vậy khi nhận nhiệm vụ, những chú CNV, quân khuyển đã từng tham gia tìm kiếm cứu nạn sau vụ sạt lở, mưa lũ tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020, hay lần đầu tiên tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Thổ Nhĩ Kỳ… đều rất thành công, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên cho hay.
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng khẳng định rằng: Ở đâu nhân dân cần cứu giúp, những người lính “quân hàm xanh” với các chiến binh chó nghiệp vụ đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong mọi tình huống.