Hành động táo bạo và hợp tác hiệu quả để cứu một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng

Thế giới - Ngày đăng : 18:34, 03/03/2023

(TN&MT) - Nhân Ngày Thế giới bảo vệ động thực vật hoang dã (3/3), các nhà lãnh đạo trên toàn hệ thống Liên Hợp Quốc đã kêu gọi hành động táo bạo và hợp tác hiệu quả hơn để bảo vệ các loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
image1170x530cropped-14-.jpg

Báo săn đứng dưới mặt trời mọc ở khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara, Kenya. Ảnh: UNEP

Trong thông điệp nhân Ngày Thế giới bảo vệ động, thực vật hoang dã, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo: “Một triệu loài đang trên bờ vực tuyệt chủng do môi trường sống bị hủy hoại, ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này với thiên nhiên”.

Công ước cột mốc bước sang "tuổi 50"

Số lượng các loài động vật và thực vật đang bị đe dọa từ các hoạt động của con người bao gồm một số loài có thể gây ngạc nhiên - như hươu cao cổ, vẹt và rong biển - nhưng người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra một số tin tốt lành.

Theo đó, Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới bảo vệ động thực vật hoang dã năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Hiệp ước được ký ngày 3/3/1973 đã giúp bảo vệ hàng nghìn loài động thực vật.

Hơn nữa, vào tháng 12/2022, các chính phủ đã thông qua một thỏa thuận mang tên “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal”, nhằm đạt được mức giảm gấp 10 lần tỷ lệ tuyệt chủng của tất cả các loài vào giữa thế kỷ.

image1170x530cropped-15-.jpg
Rùa biển bơi qua vùng biển Aruba ở Caribe

Ông Guterres cho biết, chủ đề của Ngày Thế giới bảo vệ động thực vật hoang dã năm nay - “Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã” nêu bật nhu cầu hợp tác giữa các chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân để biến cam kết thành hành động.

“Ngay lúc này, chúng ta cần những hành động táo bạo hơn nhiều để cắt giảm khí thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo và xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. Chúng ta cần đặt tiếng nói của cộng đồng địa phương và người bản địa - những người bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả nhất trên thế giới - lên hàng đầu và trung tâm”, ông Guterres nói thêm.

Lặp lại lời kêu gọi trên, bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) giải thích: “Chúng ta cần đối mặt với sự thật rằng, người dân bản địa hiểu biết về vấn đề bảo tồn nhiều hơn các nhà khoa học”. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động ngay lập tức.

“Nhân Ngày Thế giới bảo vệ động thực vật hoang dã, chúng ta hãy cam kết thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với thiên nhiên, bởi vì tương lai của chúng ta và của tất cả các loài trên Trái đất xinh đẹp này, phụ thuộc vào nó”, bà Andersen kêu gọi thêm.

Nỗ lực đoàn kết, thúc đẩy tài trợ

Tổng Thư ký CITES Ivonne Higuero cho biết: “Mối quan hệ đối tác là rất quan trọng trong việc bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, vì không có tổ chức nào, kể cả Liên Hợp Quốc, có thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học”.

Theo bà, bây giờ là thời điểm lý tưởng để bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả khi dịp kỷ niệm 50 năm Công ước CITES đã chứng kiến “sự sụt giảm chưa từng có” trong quần thể động vật và thực vật.

“Sự cân bằng của tự nhiên đang bị ảnh hưởng. Chúng ta dựa vào động vật hoang dã để cung cấp cho chúng ta thức ăn, chỗ ở, thuốc men, nhiên liệu và niềm vui… nhưng những sản phẩm này không phải là vô tận”, bà Ivonne Higuero nhấn mạnh.

Đối với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Csaba Kőrösi, Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal thể hiện cả ý thức đoàn kết mạnh mẽ với các thế hệ tương lai, môi trường và động vật hoang dã.

Ông kêu gọi các nước nỗ lực hết sức trong việc thực hiện thỏa thuận, nhấn mạnh sự cần thiết của quan hệ đối tác để xây dựng lại các khu vực bị suy thoái và phục hồi môi trường trong lành.

Ông cho biết: “Việc kiềm chế tội phạm liên quan đến động vật hoang dã cũng rất quan trọng để bảo vệ thành công đa dạng sinh học. Các cộng đồng bản địa phải được đưa vào các mối quan hệ đối tác. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn chứng kiến sự thay đổi, chúng ta phải tăng cường tài trợ cho bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã”.

Mai Đan