Làm rõ quyền lợi của phụ nữ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đất đai - Ngày đăng : 21:19, 02/03/2023

(TN&MT) - Ngày 2/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, hoạt động và cuộc sống mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Với vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN VN đã triển khai cho các cấp Hội tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 1 từ quý 3/2022, trực tiếp tổ chức hội thảo tham vấn tại một số tỉnh, thành phố. Hội cũng đã tổng hợp các góp ý, gửi Bộ TN&MT - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và gửi các nữ đại biểu Quốc hội đang công tác trong hệ thống Hội.

anh-1(1).jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội thảo

Trong lần xin ý kiến lần 2 này, Đoàn Chủ tịch đề nghị các địa phương lấy ý kiến một số nội dung cụ thể theo yêu cầu của Chính phủ và phân công của MTTQ Việt Nam với các hình thức đa dạng như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt hội viên góp ý về dự thảo Luật, đồng thời TW Hội đã trực tiếp tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại một số địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sơn La, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Quảng Bình). Các hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các lãnh đạo, cán bộ thực thi pháp luật đất đai tại địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các chuyên gia trong góp ý sửa đổi luật.

Bên cạnh góp ý vào tổng thể toàn văn các quy định trong dự thảo Luật, các hội thảo cũng tập trung về vấn đề giới cần được đề xuất, lồng ghép giới trong các quy định tại dự thảo Luật lần này. Cụ thể, nhiều ý kiến hướng việc cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là trách nhiệm của Chính phủ; lộ trình cụ thể để đảm bảo cả hai giới được tiếp cần quyền đất đai một cách đầy đủ, minh bạch.

anh-2(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại hội thảo

Các ý kiến cũng đề nghị xác định khái niệm “người sử dụng đất”; mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, chịu ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Với quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần nghiên cứu theo hướng ghi tên tất cả các thành viên gia đình, nhưng cần nghiên cứu làm rõ quyền tài sản, quyền tài sản chung và khi ghi tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì ghi như thế nào cho chính xác; đảm bảo đồng bộ thống nhất với pháp luật về dân sự khi xác định các thành viên của hộ gia đình.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, việc sửa đổi Luật đất đai hết sức cần thiết, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu thực tiễn đề ra. Quá trình lấy ý kiến vào dự thảo luật cũng góp phần đánh giá năng lực của cơ quan hành pháp, lập pháp, các tổ chức chính trị trong việc thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về lĩnh vực này. Việc lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng tham gia góp ý nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, để hoàn thiện dự án luật đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Phản ánh ý chí, nguyện vọng vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực vì sự phát triển chung của đất nước.

anh-4(1).jpg
Các ý kiến góp ý tập trung đề xuất lồng ghép giới trong các quy định tại dự thảo Luật lần này.

Về chính sách đất đai đối với phụ nữ, trong hồ sơ Dự thảo Luật đất đai cũng đã có báo cáo đánh giá cụ thể việc lồng ghép giới. Cơ quan soạn thảo đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013 về quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng; kế thừa và làm rõ hơn các quyền tham gia ý kiến trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng dất, bảng giá đất tại địa phương; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; quyền phản ánh sai phạm trong sử dụng đất đai, quyền được tiếp cận đất đai…

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tiếp tục góp ý, tập trung vào nội dung đánh giá việc thể chế những điểm mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022; sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các luật khác có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với 9 vấn đề trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến nhân dân mà Chính phủ đã hướng dẫn theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022.

anh-3(2).jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm về các quy định liên quan đến vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong dự thảo Luật; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất. Các chuyên gia cũng đề xuất kiến nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.

Đại diện Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, tổng hợp thành văn bản gửi Bộ TN&MT trong thời gian tới.

Khánh Ly