Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản: Xem xét quy định, thuật ngữ liên quan

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:06, 02/03/2023

(TN&MT) - Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý khi góp ý cho dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, với những nội dung chính liên quan đến lĩnh vực địa chất.

Nghiên cứu quy định tại các Luật liên quan

Theo Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, ông Trần Mỹ Dũng, đơn vị dự kiến đưa vào Luật các thuật ngữ về tài nguyên địa chất; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; khu vực địa chất đặc thù.

TS. Hoàng Văn Khoa đề nghị Cục Địa chất Việt Nam xem xét bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển bởi đây là lĩnh vực có đặc thù riêng, không như trên đất liền; bổ sung hoạt động điều tra địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D) - lĩnh vực gắn với địa chất đô thị, địa chất công trình, địa chất thủy văn; xem xét địa chất viễn thám và vũ trụ, bay đo địa vật lý, công tác nghiên cứu địa chất khoáng sản là lĩnh vực của hoạt động điều tra địa chất.

Đơn vị cũng xây dựng 8 nội dung về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, gồm: điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; lập bản đồ địa chất, khoáng sản; điều tra, lập bản đồ địa hóa đất; điều tra di sản địa chất, công viên địa chất; điều tra tài nguyên vị thế; điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường; điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất đô thị; đánh giá tiềm năng khoáng sản.

Ngoài ra, cục dự kiến đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản những nội dung chính liên quan đến quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; quy định về quản lý Nhà nước tại các khu vực địa chất đặc thù; tài chính về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; các nguồn thu ngân sách từ hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản và sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.

Góp ý về những nội dung trên, đặc biệt, đối với công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất, ThS. Đỗ Thị Yến Ngọc - Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Khoáng sản và Thông tư số 50/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT đã quy định đủ mức chi tiết với điều tra cơ bản di sản địa chất, công viên địa chất.

Tuy nhiên, cần đối chiếu với các quy định tại các Luật: Bảo vệ môi trường, Du lịch, Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và văn bản dưới Luật để áp dụng trong trường hợp chúng thuộc về các đối tượng điều tra quy định tại các Luật và văn bản dưới Luật của các Luật này.

TS. Hoàng Văn Khoa - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng cho rằng, Cục Địa chất Việt Nam cần xem xét quy định của Luật Dầu khí (Chương II, Điều 10, Điều 11) về điều tra dầu khí sẽ chuyển Bộ TN&MT thực hiện; quy định điều tra địa nhiệt ở mục nào; phân loại, định nghĩa các nhóm khoáng sản như: vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường, khoáng chất công nghiệp với nguyên liệu sứ gốm; nghiên cứu thêm các luật địa chất, quản lý tài nguyên địa chất ở nước ngoài, các luật khác có liên quan để xây dựng các điều, khoản quy định chi tiết.

Cân nhắc các thuật ngữ, khái niệm đưa vào Luật

Bên cạnh việc đối chiếu các quy định tại các Luật liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, đơn vị xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cần phân tích, bổ sung, làm rõ các thuật ngữ, khái niệm đưa vào Luật. Theo TS. Nguyễn Thành Vạn - Tổng hội Địa chất Việt Nam, cách tiếp cận xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cần đi từng bước, từ tên Luật đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tiếp theo là xác định các khái niệm, thuật ngữ liên quan; đề xuất các nội dung (điều, khoản) sẽ bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh.

11(1).jpg

Cần cân nhắc thuật ngữ tài nguyên địa chất bao gồm các công viên địa chất

TS. Hoàng Văn Khoa (Cục Địa chất Việt Nam) cho rằng, cần bổ sung các thuật ngữ về bùn khoáng, khu vực địa chất đặc thù và các khái niệm địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D), cũng như quy định về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản thay cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; làm rõ nội hàm Địa chất trong Luật; làm rõ quan điểm dữ liệu, thông tin địa chất là tài nguyên địa chất.

GS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất góp ý, Cục Địa chất Việt Nam nên đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản các khái niệm mang tính phổ quát, bao trùm, chú trọng sự thống nhất về định nghĩa, khái niệm và cơ sở khoa học khi xây dựng Luật này.

TS. Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề nghị, Cục Địa chất Việt Nam cân nhắc thuật ngữ tài nguyên địa chất bao gồm các công viên địa chất; đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, cân nhắc bổ sung, chỉnh sửa điều tra lập bản đồ địa hóa đất, đa mục tiêu và điều tra không gian ngầm; đối với nội dung quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, bổ sung phần thẩm định, đăng ký, công nhận, đặc biệt cho di sản địa chất các cấp.

Theo ThS. Đỗ Thị Yến Ngọc, cần phân tích bổ sung làm rõ nội hàm của một số thuật ngữ như: bảo tồn địa chất, di sản địa chất, di sản thiên nhiên, tài nguyên vị thế, tài nguyên du lịch, danh lam thắng cảnh, công viên địa chất. Các thuật ngữ: di sản địa chất, công viên địa chất, bảo tồn địa chất và du lịch địa chất cần được đưa vào văn bản Luật hoặc Nghị định khi xây dựng mới các văn bản này.

Từ những ý kiến góp ý trên, Cục Địa chất Việt Nam đang tổng hợp, tiếp thu và nghiên cứu đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản để tạo sự thống nhất, đồng thuận hơn trong các cuộc họp tiếp theo liên quan đến Luật này.

Mai Đan