Thương nhớ làng Diềm

Xã hội - Ngày đăng : 14:06, 02/03/2023

(TN&MT) - Một chiều lưng lửng khi tiết xuân nắn nót trở mình, dùng dằng vương vấn, tôi đứng bên làng Diềm lòng bâng khuâng ngơ ngẩn. Khung cảnh làng quê hiện ra thân quen quá đỗi, bình dị vô cùng khiến cảm xúc trong tôi như được đà rủ nhau hỗn độn trở về. Muốn đi thật chậm để chạm vào từng trầm tích văn hiến nơi đây. Muốn chạy thật nhanh vì sợ chiều dâng vơi đầy.

Thì kìa, thời gian như chững lại khi nắng lụa chẳng phai màu gấm hoa. Mảnh đất nơi đây đang khoác cho vai tôi một tay nải quà đựng đầy những thanh bình êm ả.

Làng Diềm - ngôi làng từ thời cổ xưa còn gìn giữ bao nét văn hóa đậm đà nhất của miền quê Kinh Bắc. Đó cũng là cái nôi của bao làn điệu dân ca quan họ làm say đắm lòng người. Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chừng sáu đến 7km về phía bắc, làng Diềm đủ vãn đi sự ồn ào nhộn nhịp để lưu giữ vẻ trầm mặc bình thản cho riêng mình. Cây đa, bến nước, sân đình khiến hồn cốt quê hương trong bất kì ai đặt chân tới nơi đây cũng trỗi dậy, nhớ về.

13-3-.jpg

Tôi ghé lại đền Cùng, giếng Ngọc mà tĩnh lặng gần xa. Vẳng nghe đâu đây tích truyện hai nàng công chúa ngọc ngà Thủy Tiên và Ngọc Dung là con vua Lý Thái Tông thuở trước. Sắc đẹp lộng lẫy nhu mì nhưng văn võ song toàn chẳng kém cạnh đấng nam nhi. Hai nàng công chúa xin vua cha về làng Diềm dưới chân núi Kim Lĩnh để bảo vệ kho thóc lúa của cải triều đình, chở che cho dân làng khỏi tai ương, thảm họa. Rồi đúng vào ngày mùng 3 tháng 3 Tết Thanh minh, hai nàng về xin vua cha ở hẳn lại thôn làng này trấn giữ bình an cho người dân được no ấm. Hai nàng hóa thành đôi cá chép vàng như giấc mơ khi thụ thai mà hoàng hậu chiêm bao nhìn thấy. Từ đó, dân làng Diềm lập đền Cùng để khắc tạc công ơn rồi đào một vùng giếng bên cạnh cho đôi cá vàng ngự ẩn lấy tên là giếng Ngọc.

Giếng Ngọc bốn mùa văn vắt trong xanh, cây si vươn bóng với sum suê lá cành như chở che lòng giếng. Rễ si buông xuống khi thỏ thẻ yêu kiều, lúc lại hiên ngang như người quân tử. Những khoảng sắc nâu trầm đang bừng lên giữa vầng hào quang của nắng. Cảnh chùa cứ lung linh huyền ảo, nửa thực, nửa mơ khiến tôi sững sờ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Có cụ bà quét nhặt từng chiếc lá quanh giếng quanh sân, sắp sửa đèn nhang rượu nước đã trạc tuổi thất tuần mà chỉn chu cần mẫn. Bà đưa cốc, đưa gáo cho mọi người múc nước từ giếng lên để nhấp ngụm. Người xưa truyền lại rằng, con gái làng Diềm gội đầu bằng nước giếng Ngọc tóc sẽ mượt mà đen nhánh như nhung, con trai làng Diềm đun nước giếng Ngọc để pha trà, trà thơm ngào ngạt vô kể. Còn du khách uống nước giếng thần sẽ gặp được nhiều niềm may mắn trong cuộc sống. Tôi trìu mến mà rằng, phải chăng nước giếng trong vắt thảo thơm kia đã tỏa lan nơi mạch ngầm rồi chảy vào hồn đất hồn người xứ Diềm nơi đây nét nhẹ nhàng hiền hậu, chảy trong từng lời quan họ những ngọt ngào sâu lắng thiết tha.

Tôi đi chầm chậm dưới nắng chiều, cái nắng dìu dịu làm người ta chỉ muốn dành dụm thương yêu từ những điều nhỏ nhất. Men theo bờ hồ, theo hàng lối cây đa được trồng mới, có người đang chăm chú buông câu. Mặt hồ khẽ gợn lăn tăn bởi cơn gió không mầu, mênh mông thành bức họa sóng nước. Những chiếc ghế đá xếp đặt quanh bờ hồ cùng cảnh vật nên thơ, còn gì bằng khi ai đó ngồi đây hàng giờ mà thảnh thơi hoài niệm.

Tôi tiến lại gần nơi mấy cụ bà đang ngồi, líu tíu chào hỏi và nhận lại những nụ cười đôn hậu như đã quen từ rất lâu. Chiếc khăn nhung khẽ quàng bên cổ, chiếc vấn đen thì thầm bên làn tóc trắng bạc. Những chiếc áo bà ba vải non nâu, tím, trầm cùng chiếc gậy tre cũ càng trơn bóng. Trên khuôn mặt của thời gian, các nếp lo âu dường như yên ắng xếp lại gọn gàng. Những ánh mắt khoan thai dõi ra phía mặt hồ, dõi vào xa xăm vô kể. Tôi lọt thỏm vào trong ánh mắt ấy, để rồi được chiêm nghiệm những rộng dài thăm thẳm của trầm tích thời gian, thấy những buồn vui dâu bể non ngàn suốt một đời người, đời quê trong ánh nhìn cũ tuổi. Hình như trong đáy mắt ấy còn chứa đựng niềm da diết của câu hát tìm ai, ai tìm thời son trẻ mà Hoàng Cầm viết về cô gái Kinh Bắc khi xưa:

“Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Những ánh mắt mộc mạc giữa đời thường ấy thôi, mà như kéo rợp cả khung trời. Ánh mắt của người già nơi làng Diềm như chứa đựng đủ những thăng trầm rêu phong, như chiếc cổng làng bình thản kia, bao năm vẫn son sắt mở lòng đón đưa những người con đất Diềm bao lần đi và ở. Tôi nép mình bên cổng làng, bàn tay chạm miết vào thớ gạch tường vôi đã ít nhiều bong loang, thổn thức chực trào, cổ kính bỗng tan vào. Tôi ngỡ mình như con dân đất Diềm vẫn ngày ngày đi qua cổng làng thân thương ấy.

13-1-.jpg

Cổng làng dẫn tôi đi tới đình Diềm trên núi Kim Lĩnh khi xưa. Ngôi đình nằm an yên chính giữa làng, tôi theo lối cổng phụ gỗ đã bạc sờn màu năm tháng mà kính cẩn bước vào. Mái đình cong vút dưới trời mây xanh, âm dương như giao hảo, thiện lành giữa bốn bề hài hòa linh khí. Bên trong bậc cửa, một không gian trầm tĩnh, linh thiêng với khói nhang trầm, hương hoa, tượng hạc bày biện. Bức cửu võng nơi chính điện được khắc chạm tỉ mỉ công phu bằng gỗ sơn son thiếp vàng từ bao đời là báu vật thiêng của người làng Diềm. Ngôi đình mang bao giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và nghệ thuật mà người ta say sưa tìm lại ý nghĩa và cội nguồn.

Tôi nhìn ra khoảng sân đình mà lòng hân hoan trảy hội. Già trẻ nam nữ trong làng nô nức rủ nhau đi, các vị trưởng bối trang nghiêm tế lễ với các vong linh của thần. Cờ kiệu, hương hoa, ngựa, gươm, gậy, đủ màu cùng mâm lễ phẩm. Người ta lấy nước giếng Ngọc của đền Cùng về làm phép tắm cho Vua Bà - Thủy tổ quan họ - Người phụ nữ sáng tạo ra bao lời ca tiếng hát bắt nguồn từ lao động sản xuất trồng dâu nuôi tằm, cấy cày dệt vải cho nhân dân làng Diềm. Tình nghĩa xóm làng, tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước lưu truyền bao đời thành những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào tới hôm nay trở thành di sản quý báu.

Tôi thấy những khuôn mặt trảy hội đẹp như gấm hoa, non non nước nước chan hòa trong niềm vui mùa màng tươi tốt. Những chén trà thơm, những cơi trầu thắm, chiếu rải sum vầy. Người khách, người làng mời mọc, nghĩa tình trao tay. Lời ca tiếng hát vang, rền, nền, nẩy từ nhà chứa Quan họ, đến cây đa, sân đình bến nước, cả làng Diềm khi ấy sáng bừng giá trị văn hóa Kinh Bắc tự ngàn xưa. Lòng tôi như đang hòa cùng dòng người trẩy hội, lòng tôi Quan họ đang ngân, lòng tôi thương mến nơi đây vô ngần. Cứ mỗi lần về làng Diềm, mùa xuân lại trẩy hội trong tôi...

Nhà hát dân ca Quan họ là điểm cuối cùng tôi được dừng chân. Hội chính vãn gần tháng nay nhưng ở đây đã ướp đầy hương Quan họ tự bao giờ. Khu nhà mĩ miều như chiếc thuyền rồng rộng dài cao lớn đang bồng bềnh giữa đất trời Kinh Bắc, bồng bềnh chở đi những làn điệu dân ca Quan họ xuôi dòng văn hiến ngàn năm. Cảnh quan kiến trúc và mọi ban phòng nơi đây làm tự hào trong tôi dâng đầy, bởi mẹ tôi cũng là người con sinh ra từ làng quê Kinh Bắc. Những làn điệu quan họ cũng chảy trong máu thịt, trong tâm thức của tôi. Kinh Bắc ở đây, làng Diềm còn đó, sao mà thương nhớ đã vô cùng.

Mộc Nhiên