TP.HCM góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thiết thực, bám sát tình hình thực tiễn
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 14:06, 02/03/2023
Hướng đến thương mại hóa quyền sử dụng đất
Ông Nguyễn Văn Nam - Viện Nghiên cứu pháp luật phía Nam cho rằng, công tác giao đất, cho thuê đất là một nội dung quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả giao đất, cho thuê đất, hướng tới đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất và tập trung nguồn lực tài chính vào sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, đối với các trường hợp được thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm, Dự thảo Luật đã bổ sung một quyền hoàn toàn mới là “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa xác định rõ thế nào là “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất”, dẫn tới những tác động tiêu cực trên thị trường quyền sử dụng đất, gây lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Nam kiến nghị, Dự thảo Luật nên cho phép người sử dụng đất dưới hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được thực hiện giao dịch đối với quyền sử dụng đất. Vì, người sử dụng đất cũng thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất để có được quyền sử dụng đất như trường hợp thuê đất trả tiền một lần. Sự khác biệt là, thay vì nộp một lần cho toàn bộ thời gian sử dụng đất thì nộp hằng năm sử dụng đất. Thậm chí, tiền thuê đất được trả hằng năm sẽ phù hợp với sự thay đổi giá đất theo cơ chế thị trường. Do đó, số tiền mà họ phải nộp có thể còn cao hơn so với chủ thể trả tiền thuê đất một lần. Mặt khác, pháp luật vẫn có thể kiểm soát quyền giao dịch của người sử dụng đất thông qua quy định người sử dụng đất chỉ được thực hiện giao dịch khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.
Người dân bị thu hồi đất cần được bồi thường, hỗ trợ “tốt hơn nơi ở cũ”
Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM kiến nghị, cần bổ sung quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII Dự thảo). Theo đó, Dự thảo cần thể chế hóa các quy định, quy định cụ thể các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”. Vì đối với những người dân khi nhường đất để Nhà nước thực hiện các dự án, họ mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Cho nên, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cần phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư, ví dụ như diện tích nhà ở tối thiểu/người, mức thu nhập bao nhiêu… Đồng thời, cần thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.
Cùng nội dung này, theo Ban Thường trực Hội Luật gia TP. Thủ Đức, cần xem xét lại điểm d khoản 2 Điều 89 về đối tượng hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như sau: “Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của pháp luật”. Lý do, theo quy định của Luật Người cao tuổi hiện hành, người cao tuổi là người đủ 60 tuổi trở lên, vì vậy, không thể nào hỗ trợ hết cho tất cả người cao tuổi, mà chỉ có thể hỗ trợ cho người cao tuổi gặp khó khăn. Đồng thời, việc bổ sung thêm đối tượng phụ nữ đang mang thai nhằm động viên, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống khi đối tượng này phải giao nhà, đất, tài sản đang sử dụng di chuyển đến nơi khác.
Cần có chương riêng về quản lý đất công trong Dự thảo Luật
Về quản lý đất công, ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên bổ sung một chương riêng để quy định rõ các vấn đề liên quan đến loại đất này. Vì hiện nay, đất công, hay đất đai do Nhà nước quản lý, được điều chỉnh trong nhiều luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định 167 (sửa đổi)… nhưng nhiều luật lại không tương thích, thậm chí trái ngược nhau. Điều này khiến nhiều cán bộ “lúng túng” khi xử lý vấn đề liên quan đến loại đất này.
Theo Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP.HCM (từ ngày 3/1 - 15/3/2023), các ý kiến đóng góp gửi đến Sở TN&MT (63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) hoặc qua hộp thư điện tử: pc.stnmt@tphcm.gov.vn. Sở TN&MT tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và xây dựng, trình dự thảo Báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ TN&MT trước ngày 20/3/2023.
Trong khi đó, các quy định về thu hồi đất trong Dự thảo Luật còn thiếu nhiều trường hợp, đặc biệt liên quan tới tài sản công. Vậy, phương án xử lý, sắp xếp loại tài sản này theo quyết định của Ban Chỉ đạo 167 (về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công) có phải là căn cứ để thu hồi đất hay không? Hoặc, khi đơn vị chức năng kết luận quá trình sử dụng (mua bán, chuyển nhượng) đất công trái quy định sẽ yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước thu hồi? Vì vậy, theo ông Bảy, Luật Đất đai (sửa đổi) dành riêng một chương về đất công, quy định tất cả những vấn đề liên quan đến loại đất này là rất cần thiết.