Sơn La: Rà soát, bổ sung khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 16:56, 01/03/2023
Theo đó, phạm vi thực hiện Dự án trên toàn tỉnh Sơn La. Đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 28 Luật Khoáng sản 2010; Khoản 2 Điều 13 Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi, lòng sông và bảo vệ lòng bờ bãi sông; các quy định thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản.
Sản phẩm của nhiệm vụ gồm: Báo cáo tổng kết nhiệm vụ; Bảng tổng hợp danh mục các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Bảng tọa độ khép góc các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục 104, múi chiếu 3 độ;
Phụ lục mô tả thông tin của từng khu vực đã khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Bản đồ (số và giấy) khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản giai đoạn 2020 - 2025, tỷ lệ 1: 100.000; Bản đồ khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm tại 12 huyện, thành phố, tỷ lệ 1: 50.000…
Theo Sở TN&MT tỉnh, Sơn La có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, song chủ yếu là các mỏ nhỏ, phân bố rải rác, trữ lượng không lớn. Kết quả điều tra địa chất khoáng sản đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 83 mỏ, điểm khoáng sản thuộc 4 nhóm khoáng sản rắn, và một số nguồn nước nóng – nước khoáng. Đến hết năm 2022, có 44 giấy phép khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 39 giấy phép do UBND tỉnh cấp.
Những năm qua, tỉnh đã chủ động quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các lĩnh vực khác, đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, cũng như tính đến sự phát triển khoa học, công nghệ, nhu cầu khoáng sản trong tương lai.
Năm 2015, tỉnh đã ban hành Quyết định số 77/QĐ-UBND, phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, với tổng diện tích các khu vực là hơn 500.000ha.
Sau hơn 7 năm thực hiện, cùng với sự phát triển KT-XH, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc... có nhiều thay đổi; quy hoạch một số ngành cũng thay đổi, bổ sung. Dẫn đến, khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cũng có nhiều biến động, không còn phù hợp thực tiễn.
Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản là hết sức cấp thiết. Nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên cơ sở kết quả các khu vực đã được phê duyệt năm 2015. Hoàn chỉnh việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Kết quả nhiệm vụ sẽ là bộ dữ liệu quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước đủ cơ sở thực hiện quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản, không vi phạm khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Qua đó, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo hướng bền vững, góp phần phát triển KT-XH địa phương, không làm ảnh hưởng đến khu vực trọng yếu về KT-XH, an ninh, quốc phòng, dân sinh; góp phần bảo vệ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông…