Yên Bái: Du lịch miền Tây nỗ lực phục hồi, tăng trưởng
Du lịch - Ngày đăng : 16:32, 01/03/2023
Xây dựng điểm đến hấp dẫn
Nghị quyết số 20 ngày 20/4/2021 của Thị ủy Nghĩa Lộ phát triển du lịch thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025” của thị xã Nghĩa Lộ đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành vào tháng 8/2021. Cùng với đó, thị xã Nghĩa Lộ đã ban hành nhiều kế hoạch phát triển du lịch, triển khai đề án về du lịch.
Các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ là các huyện, thị xã nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái
Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thị xã đã chỉ đạo thực hiện công tác mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng.
Theo đó, Nghĩa Lộ đang phát triển các loại hình du lịch gồm: Du lịch cộng đồng với các mô hình homestay tại các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Thanh Lương, Nghĩa Phúc, Sơn A, Phúc Sơn. Cùng với đó, kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với các hoạt động khám phá, trải nghiệm trên suối Thia, đồi chè Nghĩa Lộ, đồi cây ăn trái Nghĩa Lộ, Phù Nham và các khu sinh thái đang được đầu tư xây dựng.
Năm 2022, thị xã được chọn làm nơi tổ chức sự kiện đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với rất nhiều hoạt động nổi bật. Đây chính là dịp để hút khách du lịch đến với thị xã, cũng là thành quả cho sự nỗ lực bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc phục vụ phát triển du lịch.
Đến nay, thị xã đã cơ bản đưa Nghệ thuật Xòe Thái vào trong các trường học, tạo thành một nét sinh hoạt đặc sắc, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xòe Thái. Có thể nói, công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và tài nguyên du lịch khác đã được đặc biệt chú trọng, tạo nên một sức hút riêng để du khách đến với thị xã khám phá, trải nghiệm.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 92 cơ sở lưu trú đang hoạt động ổn định. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2022, thị xã đã đón 276.000 lượt khách đã đến với thị xã - đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của ngành du lịch thị xã sau đại dịch.
Phát huy giá trị văn hoá
Phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên và các di sản văn hóa trên địa bàn cũng là nhiệm vụ được huyện Mù Cang Chải nỗ lực hết mình đưa du lịch trở lại đà tăng trưởng.
Trong thời gian qua, huyện cũng ban hành nghị quyết, chương trình hành động trong phát triển du lịch. Trong đó, có đề án xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện.”
Năm qua, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển du lịch của huyện, nhất là trong điều kiện phục hồi và phát triển du lịch sau dịch COVID-19. Huyện Mù Cang Chải đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung thị trấn Mù Cang Chải đã được UBND tỉnh Yên Bái và UBND huyện Mù Cang Chải thống nhất phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án tiếp theo. Không gian du lịch dần được hình thành một cách rõ nét hơn với các điểm du lịch về di sản, thiên nhiên, lịch sử, khảo cổ... trải dài trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.
Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối giữa các điểm du lịch, giữa huyện Mù Cang Chải với các vùng lân cận được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, khám phá của du khách.
Thời gian qua, huyện được trồng mới trên 7.000.000 cây, chủ yếu là cây hoa Tớ dày và một số loài cây bản địa khác theo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, đẹp.
Ông Nông Việt Yên – Bí thư huyện Mù Cang Chải cho biết: Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Cùng với đó, những sản phẩm du lịch mới như: Festival khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày, giải đánh quay người Mông xen kẽ với các sản phẩm du lịch đã thành truyền thống của huyện như: Lễ hội mùa nước đổ, Festival dù lượn, lễ mừng cơm mới của người Mông, tết Độc lập 2/9…được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô, chất lượng các hoạt động ngày càng cao nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.
Trong năm 2022, Mù Cang Chải đã đón trên 350.000 du khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 270 tỷ đồng là thành quả cho những nỗ lực đó của Mù Cang Chải. “Kết quả đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện, giảm nghèo bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo; đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”.
Có thể thấy thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải đã và đang nỗ lực hết mình để phục hồi phát triển du lịch trên địa bàn cũng như vùng du lịch miền Tây của tỉnh, đóng góp không nhỏ vào kết quả đón trên 1,5 triệu lượt du khách đến Yên Bái trong năm 2022.