Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 14:37, 01/03/2023
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Hội thảo tập trung thảo luận về quyền của các chủ thể sử dụng đất và các mối quan hệ pháp lý; vấn đề về tài chính đất đai, giá đất… và mong muốn các chuyên gia tiếp tục phát huy tinh thần tập thể, đóng góp ý kiến xác đáng, tâm huyết để có báo cáo tới cơ quan có trách nhiệm chỉnh sửa dự thảo Luật đạt hiệu quả nhất.
Góp ý vào Dự thảo, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý, đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, các quy định về tái định cư trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản đã phù hợp với thực tiễn tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên để các quy định về tái định cư được đầy đủ, phù hợp, có tính khả thi hơn, PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý đề xuất sửa đổi bổ sung và hoàn thiện một số vấn đề.
Cụ thể, tại Điều 106 về “lập và thực hiện dự án tái định cư” nên bổ sung việc tiến hành điều tra, khảo sát trước khi lập dự án tái định cư. Về vấn đề giá đất, Tại khoản 5 Điều 107 cần quy định cụ thể thẩm quyền quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất và giá nhà tái định cư.
Về việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư, PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý đề nghị làm rõ "thời gian chậm trả tối đa" là bao nhiêu ngày để tránh tình trạng chủ đầu tư dây dưa, không chịu trả tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó phải có biện pháp xử phạt lũy tiến đối với chủ đầu tư khi hết thời hạn chậm trả mà vẫn không chịu trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Góp ý thêm, Bà Ung Thị Xuân Hương, Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần có quy định rõ ràng, cụ thể về trường hợp thu hồi đất để giúp cơ quan quản lý tại địa phương dễ dàng tiến hành thu hồi đất, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ chung. Khi quyết định thu hồi đất cần có sẵn phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo Luật sư Trương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Sơn, thông tin về bản đồ địa chính là cơ sở để thực hiện các quyền, trách nhiệm của người sử dụng đất. Vì vậy, công dân, người sử dụng đất phải được quyền tiếp cận bản đồ địa chính để thực hiện quyền, trách nhiệm của mình.
Theo ông Tuấn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung căn bản để quản lý và sử dụng đất đai, ảnh hưởng trực tiếp tới từng người dân, tổ chức kinh tế. Khi thực hiện lấy ý kiến công khai, nhưng phiên họp thẩm định không công khai, việc tiếp thu, giải trình cũng không công khai, minh bạch thì mới làm được một nửa việc lấy ý kiến người dân. Người dân không được tham dự vào những nội dung quan trọng liên quan tới nhà cửa, đất sản xuất, kinh doanh của mình là điều không phù hợp. Vì vậy, cần phải siết chặt, làm đầy đủ các nội dung như lập từ đầu để hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong nội dung này.
Về đăng ký đất đai, Luật sư Trương Anh Tuấn cho biết, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu, ngoại trừ quyền sở hữu trong công trình xây dựng nhiều tầng là bắt buộc đăng ký sở hữu tài sản. Đây là điều cần sửa đổi vì đối với công trình cao tầng, nếu không đăng ký sở hữu tài sản thì không thể đăng ký đất và tài sản gắn liền với đất, đồng thời, không cấp được Giấy chứng nhận cho người sử dụng, người được giao. Ngoài ra, cần tính tới việc thống nhất khái niệm giữa quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai liên quan tới quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không.
Về định giá đất, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo rà soát giảm bớt thành viên Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất như đại diện các Sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện. Ngoài ra cần bổ sung vào Hội đồng thẩm định bảng giá đất và giá đất cụ thể một số thành viên đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận tổ quốc. Việc tham gia của tổ chức có chức năng tư vấn xác định gia đất vào quy trình định gia đất làm tăng thêm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan định giá đất.
Về hạn mức sử dụng đất, bà Ngô Thị Hồng Ánh - Khoa Luật Kinh tế - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh góp ý nên quy định linh hoạt trong việc sử dụng diện tích đất, quy định diện tích sử dụng trong và ngoài hạn mức đối với tất cả các loại đất và người sử dụng đất, đặc biệt đối với hạn mức sử dụng đất nông nghiệp bằng chính sách thuế sử dụng đất. Dự thảo Luật Đất đai nên quy định mở rộng đối với vấn đề hạn mức sử dụng đất nói chung, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và đất ở nói riêng, cùng với việc thay đổi cách tính thuế, mức thuế suất nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo quy định Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2012 để nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật đất đai với pháp luật có liên quan để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả.
Kết thúc Hội thảo, TS. Trần Công Phàn cho biết, tại hai phiên hội thảo diễn ra trong hai ngày 28/2 và 1/3 đã có 24 bài phát biểu ý kiến về mọi khía cạnh của Luật Đất đai (sửa đổi). Tất cả các ý kiến đều xuất phát từ tâm huyết, trách nhiệm đóng góp cho Luật được hoàn thiện hơn. TS. Phàn mong muốn trong thời gian tới các đại biểu sẽ tiếp tục gửi những ý kiến đóng góp tới Hội Luật gia Việt Nam để góp phần xây dựng bộ luật hoàn chỉnh hơn.