Kinh doanh linh hoạt trên nền tảng số trong “thời kỳ VUCA”
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:40, 01/03/2023
Vén màn trở ngại, bình tĩnh sống giữa trạng thái “VUCA”
Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực” với 04 yếu tố gồm Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cùng các biến động trên thế giới và trong nước đã một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng “VUCA”.
Bước vào năm 2023 với diễn biến phức tạp trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới, thuật ngữ VUCA trong quản trị kinh tế lại càng được nhắc đến nhiều hơn. Khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục phát triển về công nghệ, các công ty dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.
Hội nghị “Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA” tập trung vào hai nội dung chính: Thứ nhất, tập trung triển khai hiệu quả hoạt động đã được hai bên thống nhất trong Thoả thuận hợp tác theo chiều sâu thông qua các hoạt động và kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tham gia hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số, và triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thành công; Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số, tiếp cận các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn Alibaba.com. Gian hàng Quốc gia Việt Nam (Vietnam Pavilion) từng bước trở thành địa chỉ chung cho các sản phẩm tiềm năng của Việt Nam tiếp xúc với khách hàng.
Linh hoạt trong môi trường linh động
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động XTTM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.
“Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA” - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực Châu Á Thái Bình Dương khẳng định hàng hoá của Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới, và ngày càng nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.
“Theo số liệu hiện tại tôi có thì 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao), điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thương mại điện tử” - ông Roger Luo bày tỏ.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6,5% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn.
“Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay” - TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Tìm kiếm giải pháp số trên sàn TMĐT Alibaba.com
Hiểu rõ những khó khăn trong công tác định hướng chiến dịch kinh doanh trên nên tảng số, Giám đốc Alibaba.com - ông Roger Luo cho biết sàn TMĐT Alibaba.com đã nghiên cứu và đánh giá về “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” với nội dung nêu bật xu hướng thị trường toàn cầu hiện tại và cách Alibaba.com tại Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua chuỗi khó khăn và bất ổn trong năm 2022, để hướng tới sự phát triển thịnh vượng vào năm 2023.
Theo báo cáo thị trường “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” của Alibaba.com, hơn 50% doanh nghiệp lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử hoặc số hoá và mở rộng kênh bán hàng để “sống sót” qua đại dịch. Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.
Thông tin về các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các tổ chức XTTM, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi trong XTTM (Cục XTTM) cho biết, Cục XTTM và Sàn TMĐT Alibaba.com đã hợp tác và phối hợp triển khai thành công nhiều sự kiện quốc tế như: Hội nghị Thương mại điện trực tuyến qua tử quốc tế B2B Alibaba.com năm 2021, Hội nghị Quốc tế “Xuất khẩu nền tảng TMĐT Alibaba.com” năm 2022 và khai trương “Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion năm 2022.
Đây là không gian hàng hóa Việt Nam trên sàn TMĐT Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu. Ngoài ra, có tới hơn 200 khóa huấn luyện/đào tạo được Bộ Công Thương (Cục XTTM) phối hợp với Alibaba.com triển hai ở các tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các nội dung như nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với phương thức kinh doanh trên nền tảng số, cách thức vận hành gian hàng số, bán hàng trực tuyến (livestream)...
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay, nhận thấy những cơ hội xen lẫn thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào nền kinh tế số đề kinh doanh và xuất khẩu ra quốc tế, Bộ Công Thương, Cục XTTM đã không ngừng ưu tiên phối hợp và triển khai các hoạt động dài kỳ thể hiện cam kết song hành và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh doanh trên nền tảng số.
“Đây sẽ là những hoạt động thiết thực, hứa hẹn mở ra những kết quả tích cực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời tạo đà xúc tiến cho các sản phẩm, đặc biệt là các giá trị văn hóa địa phương của Việt Nam lan tỏa rộng khắp trên thị trường quốc tế" - bà Nguyễn Thị Minh Thúy khẳng định.
Việc áp dụng các chiến lược số đang trở thành một phần quan trọng trong bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam. Đất nước tiếp tục phát triển và thúc đẩy công nghệ, và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ thông qua Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện thành công chiến lược số sẽ có vị thế tốt để cạnh tranh và phát triển trên thị trường trong nước và quốc tế.