Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý kiểm soát ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 14:24, 28/02/2023

(TN&MT) - Sáng 28/2, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức Hội thảo đào tạo về quản lý kiểm soát ô nhiễm.
ong-hoang-van-thuc.jpg
Ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương về môi trường giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chương trình đã triển khai trong 5 năm và đạt được những kết quả nhất định. Thời gian qua, các chuyên gia Nhật Bản đã hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công tác phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn cấp Trung ương và địa phương Việt Nam về môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm nói riêng.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định các khu công nghiệp, cụm doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh lớn phải có phòng chuyên môn/bộ phận quản lý về môi trường, được đào tạo ở các trường có chuyên môn nhất định. Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nâng cao vai trò, năng lực của cán bộ quản lý môi trường về kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp.

“Việc đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực có nhận thức, kỹ năng chuyên sâu về kiểm soát ô nhiễm môi trường là hết sức quan trọng. Đây là mục tiêu xuyên suốt của Bộ TN&MT đặt ra và đang triển khai thực hiện. Thời gian tới, Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường ở doanh nghiệp và các địa phương” Cục trưởng Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

ong-nhat1.jpg
Ông Yujiro Yoneda, đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ tại Hội thảo

Đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Yujiro Yoneda chia sẻ: Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, từ năm 1960, Nhật Bản đã phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật kiểm soát ô nhiễm, Chính phủ cùng với khối tư nhân đã cùng nhau hợp tác, liên kết để khắc phục ô nhiễm môi trường. Trong các hoạt động đó, đội ngũ cán bộ quản lý môi trường đã đóng góp hiệu quả lớn trong kiểm soát ô nhiễm tại Nhật Bản.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình về các quy định quản lý môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; quan trắc nước thải; xử lý ô nhiễm nước và chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực để ngăn ngừa ô nhiễm trong khu vực tư nhân thông qua Hệ thống quản lý kiểm soát ô nhiễm (PCM).

Theo đại diện Hiệp hội Quản lý môi trường công nghiệp Nhật Bản, hệ thống PCM đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các kỹ năng bảo vệ môi trường của công nhân nhà máy tại Nhật Bản. Hệ thống PCM sẽ bao gồm người giám sát, giám đốc (nếu cần) và cán bộ quản lý kiểm soát ô nhiễm. Trong đó, đội ngũ cán bộ (bao gồm giám đốc) phải là người đã vượt qua kỳ thi quốc gia và đáp ứng một số tiêu chí nhất định do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Môi trường Nhật Bản quy định hoặc đã hoàn thành khoá đào tạo được uỷ quyền.

toan-canh.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Nhiệm vụ của PCM bao gồm kiểm tra nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào; kiểm tra các hoạt động phù hợp để ngăn ngừa ô nhiễm; vận hành cơ sở vật chất, bảo trì và kiểm tra các thiết bị để duy trì hoạt động thích hợp; giám sát và ghi lại các chất ô nhiễm, làm báo cáo và lưu trữ; thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố tại các nhà máy.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về việc phát triển hệ thống PCM tại Việt Nam. Đa số các ý kiến thảo luận đều cho rằng việc xây dựng Hệ thống cán bộ kiểm soát ô nhiễm cho các doanh nghiệp theo Hệ thống PCM của Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và mong muốn phía Nhật Bản và Bộ TN&MT tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo cán bộ theo Hệ thống PCM của Nhật Bản phù hợp tại Việt Nam.

Hoàng Ngân - Khương Trung