Cát Cát bồng bềnh sương phủ
Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 28/02/2023
Từ ban công khách sạn nhìn ra xa xa, thung lũng Mường Hoa khi thực khi ảo, thị xã Sa Pa ẩn hiện trong sương… và bản du lịch Cát Cát chập chùng sương phủ mê hoặc lòng người. Dư vị đó, cảm xúc bồng bềnh khó tả đó đã thôi thúc tôi trở lại Cát Cát.
Cát Cát thực ra là tên một thác nước đẹp ở bản do người Pháp đặt từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, theo thời gian, bản lấy luôn tên thác làm tên gọi của mình. Cát Cát là bản sinh sống của người H’Mông, xã San Sả Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cách trung tâm thị xã Sa Pa 2km, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, đây là điểm du lịch sinh thái cộng đồng, nơi lưu giữ đậm nét cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người H’Mông, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tới tham quan, du lịch và trải nghiệm.
“Trời mưa? Không phải, sương mù nặng hạt thì đúng hơn”, tôi tự hỏi và tự trả lời. Thung lũng Mường Hoa - cảnh tiên nơi hạ giới trước đây đã bị bao trùm bởi sương sớm, một màu trắng bạc, tôi có cảm giác như có tờ giấy trắng khổng lồ đang che chắn trước mặt tôi, như không muốn cho tôi ngắm vẻ đẹp của Mường Hoa, của bản làng trong sương…
Đã lên tới đây thì sương giăng mưa phủ có hề gì. Trước khi vào Cát Cát, tôi quyết định đi bộ thăm thị xã Sa Pa. Đi trên con đường Mường Hoa, vừa dốc, vừa trơn trượt, lầy lội, bởi sương nặng hạt, kết hợp với một vài công trình đang thi công vương vãi đất cát xuống đường. Trước mắt tôi là phố xá, đèn lồng giăng kín hai ven đường, từng tốp người, già có, trẻ có, giọng Bắc có, giọng Nam có, xen lẫn một vài người nước ngoài, họ đã góp phần tô cho bức tranh du lịch Sa Pa thêm sinh động trong màn sương bao phủ.
Mở ra trước mắt tôi là Quảng trường trung tâm Sa Pa, cạnh đó là nhà thờ đá cổ, nơi ghi dấu nhiều huyền thoại, kỷ niệm đẹp của biết bao chàng trai, cô gái H’Mông và khách du lịch. Cảnh và tình, thiên nhiên và con người cùng những nét văn hóa đặc sắc nơi đây đã xe duyên cho bao cặp trai gái gặp gỡ hẹn hò, như bài hát “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời” của nhạc sĩ Trần Tiến từng nhắc đến:
Vang tiếng khèn chàng xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế
Tiếng đàn môi em nói điều gì
cho ta ngồi bên nhau đêm nay
Sa Pa chiều nghiêng huyền thoại,
mặt trời mọc lên từ má em
phố nhỏ hiện lên từ trong mây,
Ơi Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời
Bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái
Đắm say phiên chợ, anh về cùng em.
Trong không gian huyền hoặc bởi sương mờ bao phủ cộng với những câu chuyện nửa như mơ như thực, hương cà phê níu chân tôi dừng lại. Nhâm nhi li cà phê bên hồ Sa Pa, đắm chìm tâm tư vào làn nước trong xanh, tươi mát, tĩnh lặng đến lạ thường. Những lúc như vậy, có cảm giác mọi âu lo, phiền muộn của cuộc sống được gột bỏ đi, lòng người tự nhiên trở về cân bằng, thư thái.
Đến đây, nhất định bạn phải đi tản bộ về đêm, thưởng thức các món nướng vỉa hè, các món ăn đậm chất Tây Bắc; thưởng thức hơi lạnh, ngẩn ngơ trong cảm giác sương giăng giăng, sương ùa vào mặt, thấm đẫm vào làn da mỏng manh. Lúc đó, nếu có cô gái của mình bên cạnh, mà “má em ửng hồng” như mặt trời, thử hỏi có chàng trai nào không rung động hơn, đắm say hơn.
Rời trung tâm thị xã Sa Pa, tôi bắt một chiếc xe ôm về bản Cát Cát. Chỉ 2km thôi nhưng có bao nhiêu điều kỳ diệu mở ra trên cung đường. Nếu gặp may vào những ngày đậm sương, sẽ chứng kiến tận mắt mây ấp núi, núi ôm mây, cảm giác như đang bồng bềnh trên mây trắng, thấp thoáng là những ngôi nhà, những chàng trai, cô gái đang dìu dặt cùng nhau tới thăm bản Cát Cát.
Câu chuyện di chuyển ở bản sẽ là đi bộ, men theo đường bậc đá và bê tông, đường nhỏ, trơn trượt nên phải đi chậm, cẩn thận dò từng bước. Cái thú vị của bản Cát Cát đó là du khách sẽ được tận mắt trải nghiệm và du dương theo từng cung bậc cảm xúc mùa xuân, thả hồn mình vào núi non, hít thở từng đợt, từng đợt không khí trong lành. Mấy năm nay, chính quyền chủ trương phát triển Cát Cát thành bản du lịch. Vì vậy mà trên các lối vào bản, sẽ có các điểm dừng chân để du khách chụp hình, ngắm đất trời và bản làng trong sương; rồi mua sắm quà lưu niệm; đặc biệt, được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa: Em nhỏ ngồi tách hạt ngô, cô gái dệt lanh, đan sợi, chàng trai treo thịt xông khói… thi thoảng ta cũng bắt gặp một vài em nhỏ bán quà lưu niệm rất dễ thương.
Hòa vào không khí bình yên ấy, thác - từng dòng, từng dòng từ trên núi đổ về khiến cho người ta không biết đâu là mơ và đâu là thực tại. Khung cảnh hoang sơ nhưng hữu tình, trên là non cao thác đổ, bên dưới là dòng suối nước trong veo mang lại cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh cho du khách khi đến đây. Lúc này, mọi mệt nhọc gần như tan biến, con người thả mình vào thiên nhiên hùng vĩ, nhấm nháp tận hưởng đủ dư vị cổ kính và hiện đại, huyền ảo và sinh động của bản làng Cát Cát. Rồi trong khung cảnh ấy, vừa phóng tầm mắt nhìn bao quát thác nước và dòng suối, vừa thưởng thức món cơm lam, gà đen nướng than củi chấm muối tiêu, khác nào thưởng thức cảnh tiên nơi cõi trần.
Đến Cát Cát mà chưa thăm thú trải nghiệm làng nghề truyền thống dệt vải và làm đồ trang sức thì quả là phí hoài. Người dân nơi đây sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như gai dầu, cây bông, vải lanh để dệt nên những tấm vải sặc sỡ dùng để may quần áo mặc hằng ngày. Màu sắc chủ đạo ở đây thường là xanh, đỏ, trắng, vàng được phối với các hoa văn và hình dáng độc đáo. Những trang phục ấy kết hợp với vòng tay, lắc, bông tai... đã tạo nên sắc phục độc đáo, đặc sắc của người H’Mông mà ít nơi nào có được.
Rồi thì đủ các trò giải trí như xích đu, chèo thuyền độc mộc trên suối, chụp ảnh cùng guồng nước, thăm cầu tình yêu, tham quan nơi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch của chàng trai, cô gái người H’Mông…
Thời gian có hạn, tôi không thể đi thăm hết những điểm du lịch ở Cát Cát. Để mãi nhớ về nơi bồng lai tiên cảnh, tôi đã cúi mình bên dòng suối Hoa, vốc từng vốc nước suối trong veo lên rửa mặt, và nhấm nháp. Cảm giác sảng khoái đến lạ thường, cái cảm giác lạnh buốt của nước suối nguồn cứ ngấm dần vào trong tôi, như đang chảy trong cơ thể vậy. Tôi nghĩ, mình sẽ phải quay lại đây, để có cơ hội cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, được bồng bềnh cùng mây, được hòa tan cùng sương sớm, được hòa quện với đất trời. Hẹn gặp lại nhé Cát Cát, bản làng mờ trong sương.