Luật Dầu khí 2022: Cần hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ của Petrovietnam

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:15, 27/02/2023

(TN&MT) - Phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra giám sát, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung quy định về phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ quản lý được Chính phủ giao. Trong đó, việc cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Petrovietnam để thi hành Luật là rất quan trọng.

Bổ sung quy định phân cấp cho Petrovietnam

Một trong những điểm mới của Luật Dầu khí 2022 là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, trong đó đặc biệt là phân cấp cho Petrovietnam. Điều này được đánh giá là một điểm tiến bộ, đổi mới, phù hợp với hệ thống pháp luật dầu khí ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, để Petrovietnam có thể thực hiện được các quyền của mình, đáp ứng kỳ vọng, cần có hướng dẫn cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Cụ thể, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung quy định về phân cấp cho Petrovietnam phê duyệt: Chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động hàng năm (Điều 43); chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí (Điều 44); điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí ngoài việc thay đổi phương án phát triển mỏ, nhu cầu sử dụng đất, phương án tiêu thụ khí (khoản 5 Điều 46); điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí/kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong một số trường hợp có sự thay đổi không lớn về kỹ thuật, chi phí nhằm đẩy nhanh tiến độ, phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ (Khoản 5, Điều 47; Khoản 5, Điều 48).

001.jpg
Một điểm mới của Luật Dầu khí năm 2022 là phân cấp cho Petrovietnam thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ quản lý được Chính phủ giao

Bên cạnh đó, nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Petrovietnam là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung Chương IX về chức năng, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Trong đó, đối với chức năng về tham gia trong hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, có bổ sung quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Petrovietnam phê duyệt một số nội dung theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Petrovietnam.

Theo đó, Hội đồng thành viên Petrovietnam phê duyệt việc sử dụng vốn của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam khi góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí, thực hiện các giai đoạn của hợp đồng dầu khí, dự án dầu khí; kết thúc dự án dầu khí không thành công và chi phí dự án dầu khí không thành công của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam (Điều 63). Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến về việc sử dụng vốn của Petrovietnam để gửi Bộ Công Thương tổng hợp trong quá trình thẩm định các nội dung theo quy định của Luật (Điều 66).

Việc khai thác dầu khí tận thu sẽ được giao cho Petrovietnam thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đã kết thúc thời hạn 2 năm từ khi Petrovietnam tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí mà không có nhà thầu nào quan tâm hoặc không lựa chọn được nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới. Đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Luật Dầu khí 2022 quy định cụ thể về chính sách đặc thù khi phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí (Khoản 1, Điều 55). Để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Luật Dầu khí 2022 cũng có quy định về việc “Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 3 của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12” khi không áp dụng đối tượng chịu thuế tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu (Khoản 2, Điều 67).

002.jpg
Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí năm 2022 do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức

Cần hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ

Có thể thấy, trong Luật Dầu khí 2022 đã có sự phân cấp, phân quyền khá mạnh mẽ cho Petrovietnam. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian, quy trình, thủ tục, thúc đẩy các dự án đầu tư,… nhưng cũng là áp lực lớn với Petrovietnam trong thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật. Do đó, việc hướng dẫn cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật là rất quan trọng.

Vừa qua, tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí 2022 do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề thực hiện các quyền được phân cấp cho Petrovietnam trong Luật Dầu khí. Cụ thể như, các dự án điều tra cơ bản trước đây không có quy định trong Luật Dầu khí và trong hệ thống pháp luật của nước ta nói chung. Đây là lần đầu tiên điều này được đưa vào Luật. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ quản lý hoạt động này? Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí 2022 thì Petrovietnam sẽ chịu trách nhiệm tập hợp các dự án điều tra cơ bản của các nhà thầu dầu khí thuộc Tập đoàn, sử dụng vốn của Tập đoàn hoặc của bên thứ 3 ký các thỏa thuận để làm các dự án điều tra cơ bản với Tập đoàn. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có khả năng thực hiện các dự án điều tra cơ bản.

Về công tác quản lý triển khai, ý tưởng dự thảo Nghị định hướng dẫn đưa ra là khi Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án điều tra cơ bản thì giao hết cho Petrovietnam quản lý từ phê duyệt các đề cương chi tiết, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện,… đến nghiệm thu, quyết toán các dự án điều tra cơ bản. Trong khi đó, Tập đoàn chỉ có thể quản lý được các dự án điều tra cơ bản của Tập đoàn làm và của bên thứ 3 như đã nói trên thì điều này tạo ra bất cập là trong trường hợp cơ quan Nhà nước làm các dự án điều tra cơ bản thì các cơ quan này có báo cáo với Petrovietnam để Tập đoàn thực hiện nhiệm vụ quản lý được giao về điều tra cơ bản hay không? Đó là một câu hỏi đặt ra cần được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

003.jpg
Nhiều ý kiến đóng góp của Hội Dầu khí Việt Nam cho Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí 2022

Một điểm nữa là dự thảo Nghị định quy định là trước thời điểm 2 năm kết thúc hợp đồng dầu khí thì nhà thầu có quyền trình kế hoạch đầu tư bổ sung và đề xuất ký hợp đồng dầu khí mới trình cho Chính phủ Việt Nam xem xét và phê duyệt. Trường hợp không được duyệt, tối thiểu 6 tháng trước thời điểm hợp đồng dầu khí hết thời hạn, Petrovietnam báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn để thẩm định. Trong khoảng thời gian đấy sẽ vận hành tiếp theo kế hoạch Tập đoàn đã trình trong kế hoạch tiếp nhận. Sau 2 năm không tìm được đối tác mới thì lúc đấy chuyển sang cơ chế tận thu. Mà trong Luật khẳng định rằng cơ chế tận thu chỉ giao cho Petrovietnam.

Tức là Tập đoàn phải đứng ra chịu trách nhiệm với việc này cho dù là Tập đoàn có thể ký kết với đối tác khác dưới dạng hợp đồng dịch vụ để thực hiện tận thu. Với ý tưởng là chỉ giao cho Petrovietnam chịu trách nhiệm, không giao cho nhà thầu khác, thì lúc ký hợp đồng, Petrovietnam sẽ là một bên ký hợp đồng còn bên còn lại là Bộ nào, cơ quan nào thì chưa được hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến vấn đề trên, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt nam cho rằng, Luật Dầu khí cũ, Nghị định cũ chưa xảy ra tình huống các mỏ ở giai đoạn cuối, cũng như hợp đồng dầu khí ở giai đoạn cuối về khai thác tận thu, thu dọn mỏ,... Luật Dầu khí 2022 ra đời trong bối cảnh nhiều mỏ của nước ta sau thời gian khai thác đã lâu, đang ở giai đoạn cuối, nên quan tâm đến việc này một cách đầy đủ là rất cần thiết.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Thập bày tỏ: “Như điều 59 dự thảo Nghị định là Petrovietnam giữ lại 30% doanh thu để làm công việc này. Nhưng ở lúc đi thu dọn mỏ thì làm gì có doanh thu để giữ lại. Hoặc nếu Petrovietnam tự lo hết các chi phí cho các dự án tận thu, thì trong trường hợp đầu tư cho thăm dò thẩm lượng không thành công thì ai chịu trách nhiệm, tính như thế nào khi không được vào cơ chế thu hồi vì là dự án tận thu? Lúc đấy thu không đủ bù đắp vào chi phí thì lấy đâu bù vào”.

Ông Đinh Văn Sơn, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh: “Nghị định hướng dẫn đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với Luật Dầu khí mà các Luật khác cũng vậy, bởi đây chính công cụ để Luật có thể đi vào cuộc sống. Nếu chúng ta không làm tốt các công tác để có một nghị định hướng dẫn chi tiết, chất lượng sẽ dẫn đến bế tắc trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc hướng dẫn rõ ràng, cụ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Petrovietnam, một điểm mới trong Luật cũng như các điều khoản khác sẽ rất quan trọng để Luật đi vào thực tiễn”.

TS. Nguyễn Quốc Thập nhận định, trong Luật Dầu khí 2022, trách nhiệm của Petrovietnam rất lớn, nặng nề, cần có đầy đủ cơ chế để thực hiện, góp phần đưa được những nội dung, điều khoản của Luật vào thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của Luật Dầu khí 2022 ra đời nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí đất nước trong giai đoạn mới.

Phương Hà