Từng bước gỡ khó giúp ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường

Xã hội - Ngày đăng : 14:53, 24/02/2023

(TN&MT) - Việc từng bước gỡ khó cho ngư dân để họ có thể bám biển, bảo vệ ngư trường là một trong những ưu tiên mà Chính phủ, cũng như các tỉnh thành có biển đặc biệt quan tâm.
c0e76822-a892-4b73-842d-df1fb0d9e71e.jpeg
Nhiều năm qua Chính phủ Việt Nam, cũng như nhiều tỉnh thành có biển đã có nhiều chính sách gỡ khó cho ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường 

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay ngư dân tại các tỉnh thành đang phải đối mặt với không ít những khó khăn do sản lượng thuỷ hải sản suy giảm và giá cả không cao, thiếu thuyền viên đi biển, thậm chí có thời điểm giá xăng dầu tăng lên hơn 30.000 đồng đã khiến một số tàu thuyền buộc phải nằm bờ, chờ giá nguyên nhiên liệu hạ nhiệt.

Nắm bắt được các khó khăn trên của ngư dân Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho ngư dân như chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản…

Ngoài ra, tại các tỉnh thành có biển cũng đã tập trung cho công tác nghiên cứu, tổ chức ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các quy định về chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND các tỉnh cũng đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND các tỉnh Sở, ngành, các huyện trực thuộc tỉnh cũng đã có nhiều văn bản nhằm tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ ngư dân.

Điển hình như tại tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, UBND tỉnh này đã ban hành Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; tỉnh cũng luôn luôn động viên, khuyến khích đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

9a03a333-5d26-4cdb-bfc9-31f537d73d32.jpeg
Có thể nói nhờ có lộc biển mà nhiều ngư dân tại các địa phương đã từng bước thoát được cái nghèo, dần dần vươn lên làm giàu

Ở nhiều tỉnh thành khác còn thành lập các “Tổ đoàn kết” trên biển. Trong đó, các tổ đoàn kết, tổ hợp tác và nghiệp đoàn nghề cá này đã không ngừng phối hợp, tăng cường các hoạt động liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Không chỉ có vậy, các tổ hợp tác, tổ đoàn kết còn kết nối liên kết thành các tổ biển xa để phát huy vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết của các tàu thuyền trên biển được phát huy, đặc biệt việc liên kết sản xuất nên sản lượng khai thác của ngư dân ngày càng ổn định.

Tổ chức triển khai hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển.

Tăng cường hỗ trợ các chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân tại các địa phương đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với số lượng tàu cá ngày càng phát triển mạnh.

Nhiều ngư dân chia sẻ, sinh ra ở biển, lớn lên cùng biển, biển cả là quê hương, nếu như vì một số khó khăn trước mắt mà không ra đánh bắt bỏ biển thì ai bảo vệ ngư trường… Nên tất cả ngư dân vẫn động viên nhau cùng cố gắng vượt khó khăn để bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của ông cha mình, với một ý chí quyết tâm bám biển và giữ vững ngư trường là giữ cho chính con cháu mình sau này.

Cũng vì vậy, nhờ có lộc biển thiên nhiên ban tặng mà ở nhiều địa phương đã dần dần thoát nghèo, đồng thời từng ngày vươn lên làm giàu, có của ăn, của để, đời sống sung túc hơn so với trước đây.

Huy An