Cần quy định cụ thể quyền lợi địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác

Tài nguyên - Ngày đăng : 16:56, 23/02/2023

(TN&MT) - Đây là vấn đề đang được nghiên cứu, cụ thể hóa trong Luật Địa chất và Khoáng sản mới, nhằm đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
z3985736677821_7575810ad3e1ba8ce393aa03d3b56ff7(1).jpg
Hoạt động khoáng sản đóng vai trò quan trọng, mang lại những đóng góp, lợi ích cơ bản cho sự phát triển của nhiều địa phương

Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác đã được quy định tại Điều 5 của Luật Khoáng sản 2010. Tuy vậy thực tế, hiện nay những đóng góp của hoạt động khoáng sản đối với  tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương, cũng như mức sống, thu nhập, cơ hội việc làm của người dân vùng có khoáng sản chưa rõ ràng... 

Các chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng, Luật Địa chất và Khoáng sản mới sẽ có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác trong việc hỗ trợ địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Chưa có chính sách khả thi

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam nhận định, hiện nay, chưa có chính sách rõ ràng, có tính khả thi để lấy nguồn thu từ khai thác khoáng sản hoặc xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản ngay từ giai đoạn đầu của phát triển dự án trong việc tái đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Theo Điều 5 Luật Khoáng sản 2010, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm: Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

z3889799133054_5fadf5802ad95911859149310bb2afcc.jpg
Mức sống, thu nhập, cơ hội việc làm của người dân khu vực khai thác khoáng sản ngày càng được mở ra từ hoạt động khai thác khoáng sản

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, trong thực tế, số lượng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản quan tâm hỗ trợ người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác còn khiêm tốn.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, giai đoạn 2012-2020, các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản đã hỗ trợ cho người dân địa phương số tiền là 126.768.380,64 triệu đồng. Đứng đầu trong số đó là tỉnh Nam Định với 124,661,792.70 triệu đồng; tỉnh Thái Bình với 592,661.27 triệu đồng; tỉnh Tuyên Quang với 286,271.90 triệu đồng.

Trong khi đó, người dân, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ hoạt động khoáng sản. Quyền lợi của họ là được hưởng một phần từ nguồn thu hoạt động khoáng sản; được doanh nghiệp khai thác hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; được chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản…

Các quyền lợi đó cần được bảo đảm bởi các cơ chế, chính sách cụ thể như: chính sách phân phối nguồn thu từ hoạt động khoáng sản; chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; chính sách bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; chính sách ưu tiên sử dụng lao động địa phương; chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách đảm bảo thực thi quyền lợi cộng đồng hiện nay được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo. Nhiều chính sách chưa phát huy được vai trò trong quản lý cũng như điều tiết lợi ích các bên liên quan trong hoạt động khoáng sản, chưa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra.

Cần quy định cụ thể hơn

Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên cho biết thêm: Bất cập về chính sách cũng thể hiện qua việc các quy định hiện hành không quy định rõ về tỷ lệ lao động địa phương tối thiểu doanh nghiệp phải sử dụng, về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động. Cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng chủ yếu dựa trên “tinh thần tự nguyện”, “hỗ trợ” của doanh nghiệp, chưa có quy định cụ thể.

Hiệu quả nguồn thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản được đánh giá là chưa cao. Ngân sách nhà nước thu được không tương xứng với mức độ khai thác, tổn hại môi trường và chi phí quản lý. Địa phương nơi có khu vực khoáng sản khai thác chịu ảnh hưởng nặng nề do hoạt động khai thác nhưng không được đầu tư đúng mức trong vấn đề thiết yếu như khắc phục ô nhiễm môi trường, nước sạch hay an sinh xã hội. Vai trò của người dân trong hoạt động khoáng sản chưa thể hiện rõ, vẫn mang tính hình thức.

Có thể thấy, hoạt động khoáng sản ngày càng mang lại những đóng góp, lợi ích cơ bản cho địa phương, người dân khu vực khai thác, mức sống, thu nhập, cơ hội việc làm ngày càng được mở ra từ khai thác khoáng sản; các hoạt động phát triển kinh tế đi kèm hoạt động khai thác mở ra nhiều cơ hội cho người dân; cơ sở hạ tầng khu vực khai thác được đầu tư mở rộng.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác đã có những hỗ trợ, thực hiện các trách nhiệm xã hội đối với người dân khu vực, tuy nhiên môi trường sống của người ở những khu vực khai thác khoáng sản chưa thực sự được đảm bảo, người dân chưa thực sự được tham gia, giám sát hoạt động khoáng sản đang diễn ra, nguồn hỗ trợ, đền bù từ việc thu hồi đất đai còn hạn chế, chưa đảm bảo được sự phát triển bền vững trong tương lai…

Một trong những giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trên là sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về thăm dò, khai thác khoáng sản; đảm bảo quyền lợi cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản. Điều này được thể hiện rõ trong Đề cương chi tiết Luật Địa chất và Khoáng sản của Bộ TN&MT.

Cụ thể, Điều 6. Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác quy định: “Về cơ bản, Điều này giữ nguyên quy định hiện hành về: quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, đồng thời quy định trõ hơn việc tái đầu tư nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật nhằm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo công ăn việc làm .. đối với địa phương và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp”.

Mong rằng, Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ được ban hành với điều, khoản cụ thể chú trọng đến việc đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Lan Chi