Ánh sáng từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Văn hóa - Ngày đăng : 12:27, 23/02/2023
Đề cương được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943. Sự ra đời của Đề cương được đánh giá như ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng, nhận thức cho toàn dân ta trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Cách mạng Việt Nam.
Một trong những giá trị nổi bật của bản Đề cương lịch sử là đề ra ba nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Theo các nguyên tắc này, có thể hình dung văn hóa Việt Nam như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc (dân tộc hóa); thân lầu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương (khoa học hóa); có nhiều cửa chính đón độc giả (đại chúng hóa) từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập...
Dân tộc hóa là nguồn mạch, là nền tảng của ngôi nhà văn hóa
Văn hóa là quá trình kiến tạo mã và giải mã, trong đó, biểu tượng là một mã cơ bản. Tự thân biểu tượng luôn mang một chiều sâu văn hóa, theo thời gian, nó được bồi đắp, tích lũy thêm các lớp mã ý nghĩa mới. Là hạt giống của cây văn hóa cổ xưa gieo vào mảnh đất đương đại, nảy mầm, lớn lên cho hoa quả ý nghĩa mới, biểu tượng luôn mang tính truyền thống. Giải mã biểu tượng là một cách tìm về truyền thống. Không am hiểu sâu sắc “mẫu gốc” và hoàn cảnh lịch sử, không tri giác tường tận mảnh đất đương đại, không thể tạo ra biểu tượng mới. Thiếu vốn cổ không thể tạo mã và giải được mã. Do vậy, chỉ có văn hóa truyền thống dân tộc mới tạo ra bản sắc, mà trong thời buổi toàn cầu hóa hôm nay, bản sắc được coi như là sứ giả trung thành, tin cậy nhất trong việc gắn kết và gắn nối với văn hóa toàn cầu. Về thực chất và trên thực tế, văn hóa truyền thống góp phần chủ yếu trong việc làm giàu có cho gia tài văn hóa quốc gia.
Hơn nữa, với bất kỳ dân tộc nào, trong thời đại mở cửa hội nhập đều phải đối mặt với sự xâm lăng văn hóa. Như một quy luật, chỉ có sức mạnh văn hóa nội sinh mới có thể tạo ra một sức đề kháng đủ mạnh để chống lại sự xâm lăng này. Văn hóa bản địa càng mạnh sẽ biến hại thành lợi, sẽ đồng hóa ngược lại văn hóa ngoại sinh, biến nó thành cái của mình.
Đại chúng hóa - Tính nhân dân vừa là thuộc tính vừa là phẩm chất của văn hóa
Ở bất kỳ thời nào thì quần chúng nhân dân cũng vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thẩm mỹ, cũng đồng thời là chủ thể tiếp nhận. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là quan điểm tư tưởng và thái độ phản ánh của người nghệ sỹ sáng tạo có vì nhân dân, tôn trọng nhân dân hay không. Một tác phẩm có tính nhân dân luôn căn cứ từ hai phương diện cơ bản là nội dung (phản ánh cuộc sống của dân, tâm tư, tình cảm, ước nguyện, quyền lợi… của nhân dân), và hình thức (phù hợp với thị hiếu của dân, được nhân dân ưa thích, trong sáng, giản dị, dễ hiểu…). Kho tàng văn hóa dân gian, những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của văn học viết đều có tính nhân dân sâu sắc, trở thành tài sản tinh thần, là vốn quý, là tâm hồn, tình cảm của mỗi dân tộc.
Khoa học hóa - “chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”
Như một thấu kính hội tụ khổng lồ tự kết tinh những ánh sáng tinh hoa trước đó của thế giới, chủ nghĩa Mác trở thành mặt trời tư tưởng vĩ đại của nhân loại soi đường cho các dân tộc đi lên hạnh phúc. Hiện nay, trước tác của Mác được giới nghiên cứu phương Tây quan tâm, có hàng triệu độc giả chào đón, nghiên cứu, tìm hiểu. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Vì là những tư tưởng khoa học nhất, tiến bộ nhất nên chỉ có Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường thì văn hóa hôm nay mới phát triển mạnh mẽ, mới có thể “chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”.
Văn hóa dân tộc - điểm tựa cho phát triển thời 4.0
Quan niệm coi trọng con người đã tạo ra ở văn hóa Việt những bài học đạo lý làm người, thương yêu con người, căm ghét cái ác. Tinh thần hướng thiện được kết tinh rồi tỏa sáng ở những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc. Không ngẫu nhiên Chử Đồng Tử được phong là “Tứ bất tử” (bốn vị thánh không chết). Truyền thuyết này là sự minh họa sinh động, cụ thể, rất mực cảm động và chân thực cho chữ Hiếu. Truyện còn là bài ca ca ngợi tình yêu và hôn nhân tự do thông qua một mối tình đẹp, chung thủy, bình đẳng và dân chủ. Một truyện cổ tích rất hay về tình yêu mà ý nghĩa của nó đã vượt ra ngoài biên giới, vượt qua những ràng buộc hà khắc của chế độ phong kiến thời bấy giờ. Tiên Dung là công chúa - con gái vua Hùng, là cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả. Tiên Dung đã nghe theo tiếng gọi trái tim, vượt qua bao tín điều, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của triều đình. Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương lớn lao với những con người dưới đáy xã hội, sẽ không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng như vậy. Truyện đã cách xa hàng ngàn năm nhưng giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục vẫn vẹn nguyên và lưu truyền trong lòng dân Việt tới muôn năm.
Câu chuyện đổi ngôi của Phật cũng là một nét văn hóa rất Việt, chỉ có ở Việt Nam. Quan Thế Âm Bồ Tát sinh ra (Ấn Độ cổ đại) vốn là đàn ông nhưng sang Việt Nam lại trở thành Phật Bà. Điều này có thể hiểu bản sắc “thiên tính nữ” đã tạo ra độ khúc xạ để thay đổi cho phù hợp. Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” tỏa sáng vào bầu trời văn hóa Việt Nam đã mấy thế kỷ, làm mê đắm, thổn thức hàng triệu trái tim bao thế hệ bởi được thu nhận những ý nghĩa nhân văn tận thiện, tận mỹ. Bởi được xây cất bằng vật liệu tư tưởng về con người của văn hóa dân gian, văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo nên đa dạng về cấu trúc hình tượng. Bởi được khúc xạ và tích hợp từ nhiều nguồn mỹ học nên đa nghĩa và phát ra những ánh sáng văn hóa lạ, độc đáo.
Là sự hợp lưu ánh sáng từ quan niệm lành mạnh, khoẻ khoắn, táo bạo của dân gian; quan niệm từ bi hỷ xả của đạo Phật; từ nền nếp khắt khe của Nho giáo, tác phẩm đã tạo ra những hình tượng mang tính ám ảnh điển hình. Bật thoát ra từ câu chuyện, “Quan âm Thị Kính” khao khát truyền đi lập luận sâu sắc rằng: Trong xã hội đầy tai ương, mâu thuẫn và phi lý như thế thì người tốt, cái tốt khó lòng tồn tại. Muốn cho cái tốt, người tốt tồn tại, phải thay đổi cả xã hội ấy. Tiếc thay đó là việc không thể lúc bấy giờ - Dân gian biết rõ thế! Nhưng người tốt, cái tốt thì rất cần được bênh vực nên dân gian đã làm một cuộc hoán vị thân phận mà đổi ngôi cho họ. Cuối cùng, nhân vật được đổi thành kiếp Phật. Đây chính là quan niệm “hóa kiếp” nhân ái của tín ngưỡng tình thương trong dân gian. Quan niệm “Ở hiền gặp lành” trong văn hóa Việt đã gặp gỡ tinh thần “cứu độ” Phật giáo để cùng hóa thân Thị Kính thành Quan Âm trong vòng hào quang thánh thiện của tình người.
Từ gốc rễ văn hóa dân tộc, tiếp biến trong dòng chảy lịch sử, thu nạp có chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại, thông qua xây dựng các nhân vật hình tượng điển hình, đã khắc họa đậm đà một tinh thần nhân văn, sâu sắc một tinh thần dân chủ, cháy bỏng một khát vọng yêu và được yêu thương con người, viên ngọc văn hóa đã tỏa sáng từ quá khứ đến hiện tại, tương lai, góp phần minh chứng về những giá trị văn hóa tốt đẹp và ngày càng bồi đắp, tô điểm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa Việt.
Đi theo ánh sáng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - cũng là ánh sáng của Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh, bắt sâu vào nguồn mạch dân tộc, hòa vào biển cả quảng đại nhân dân, văn hóa Việt Nam đã tỏa rạng trong bầu trời văn hóa thế giới!