Đắk Lắk thích ứng BĐKH: Trọng tâm là bảo vệ rừng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:27, 23/02/2023

(TN&MT) - Những năm qua, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa những tác động này đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, BĐKH đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình canh tác cây trồng của người dân. Vì vậy, Trung tâm thường xuyên khuyến cáo người dân xuống giống cây trồng đúng vụ để tránh những rủi ro của thời tiết; triển khai mô hình tưới tiết kiệm, đồng thời, hướng người dân thực hiện mô hình nông lâm kết hợp. Điều này vừa góp phần giữ chất lượng đất, hạn chế rửa trôi, đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm cây trồng trên một diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.

do-tac-dong-tieu-cuc-cua-bdkh-nhieu-ao-ho-o-dia-phuong-bi-kho-can-vao-giua-mua-kho-tu-thang-4-5-hang-nam.jpg

Do tác động tiêu cực của BĐKH, nhiều ao hồ ở địa phương bị khô cạn vào giữa mùa khô

Hiện nay, nhiều hộ dân địa phương đã chủ động, tìm mọi biện pháp để ứng phó với BĐKH. Cùng với chủ động theo dõi thời tiết thường xuyên, người dân còn lựa chọn các loại cây giống có nguồn gốc uy tín, khả năng kháng bệnh tốt, chịu hạn cao. Người dân địa phương cũng từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trước những thay đổi cực đoan về thời tiết, nhất là nguồn nước đang thiếu.

Điển hình, gia đình anh Nguyễn Văn Tuân (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn do thời tiết thất thường, khô hạn kéo dài khiến lượng nước tưới tiêu bị suy giảm, tác động đến năng suất cây trồng. Không thể đánh cược mãi với khí hậu cực đoan, gia đình anh Tuân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngắn ngày sang trồng cây ăn quả, kết hợp đầu tư thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm. “Cây ăn quả tôi chọn để trồng chịu hạn tốt, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, cùng với đó, việc tưới nhỏ giọt tiết kiệm được cả công sức lẫn chi phí chăm sóc, lượng nước ngầm” - anh Tuân chia sẻ.

Nhiều giải pháp thiết thực

Theo Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam), một trong những giải pháp thích ứng với BĐKH đơn giản, ít tốn kém nhất là bảo vệ rừng, bởi rừng mang đến rất nhiều nguồn lợi cho con người. Ngoài ra, còn nhiều giải pháp thích ứng, như: bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, trữ nước ở những vùng khô hạn, chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ, sử dụng giống cây trồng hợp lý, thay đổi kỹ thuật canh tác...

Thời gian tới, Tropenbos Việt Nam sẽ thực hiện chương trình hỗ trợ người dân thích ứng tốt hơn trước tác động tiêu cực của BĐKH như: áp dụng sản xuất nông lâm nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH. Hiện tại, Tropenbos Việt Nam đã chọn những mô hình mẫu và triển khai một số mô hình nông lâm kết hợp ở huyện Krông Bông và huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Hy vọng những năm tới, những kết quả ban đầu của chương trình hỗ trợ sẽ sớm được chia sẻ để người dân có thể cùng nhau học tập.

thumbnail_a1.-lanh-dao-tinh-dak-lak.jpg

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thích ứng BĐKH

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam (SACCR) do Quỹ khí hậu xanh (GCF)” viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã được triển khai tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2021 - 2026). Trong đó, tại tỉnh Đắk Lắk, dự án SACCR được triển khai tại 4 huyện, gồm: Ea Hleo, Cư Mgar, Ea Kar, Krông Pắc.

Cụ thể, dự án SACCR tập trung vào các nội dung như: trao quyền cho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp thông qua bảo đảm nguồn nước; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường; thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, có sự điều phối giữa các bên liên quan thông qua quản lý nguồn nước, sản xuất nông nghiệp chủ động dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu...

Phạm Hoài