Các khu công nghiệp có lợi thế cao trong tái sử dụng rác thải
Môi trường - Ngày đăng : 12:27, 23/02/2023
Để làm rõ hơn thực tiễn công tác xử lý rác thải KCN nói riêng và xu hướng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường KCN nói chung, Báo TN&MT đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Ủy viên thường vụ Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Hiệp hội).
PV: Từ góc nhìn của Hiệp hội, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN những năm gần đây đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Các thành viên Hiệp hội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các đô thị và KCN nên từ góc nhìn của chúng tôi, nhìn chung trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ở các KCN đã có chuyển biến tích cực. Công tác thẩm định, thiết kế xây dựng và quản lý, vận hành các KCN đã tuân thủ theo các quy định Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư.
Rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại phải thu gom, xử lý đặc biệt đều có quy định hướng dẫn quản lý cụ thể và theo hợp đồng. Về nước thải, các KCN mới xây dựng đều có thiết kế hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên, trong vận hành còn xảy ra trường hợp xí nghiệp vẫn có hệ thống thải trực tiếp ra sông ngòi xung quanh. Vấn đề khí thải đã được quản lý tương đối chặt. Nếu doanh nghiệp, xí nghiệp công nghiệp để xảy ra ô nhiễm khí thải đều có cơ quan quản lý môi trường địa phương khảo sát, quan trắc, đánh giá, xử phạt.
Trong các KCN, tỷ lệ rác thải được tái chế chiếm khoảng 65 - 70%. Do nguồn rác này có nhiệt trị cao, độ ẩm thấp nên dễ dàng đáp ứng công nghệ đốt rác chuyển hóa thành năng lượng. Nhiều thành phần trong rác cũng có thể tái chế được như giấy, da, vải, bao bì... Lượng rác còn lại sẽ đưa vào bãi chôn lấp. Thực tế, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong KCN đơn giản hơn so với rác thải sinh hoạt tại đô thị. Các doanh nghiệp trong KCN phải hợp đồng với doanh nghiệp môi trường để họ thu gom xử lý rác thải. Dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, doanh nghiệp rất có ý thức giảm khối lượng rác thải không thể tái chế, tái sử dụng.
PV: Yếu tố nào đã tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển biến này, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Theo tôi, đó là ảnh hưởng từ hệ thống chính sách, văn bản pháp luật có quy định ngày càng chặt chẽ hơn về công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm đối với xí nghiệp công nghiệp, các KCN.
Bên cạnh đó, cũng có tác động từ những ngành khác. Chẳng hạn với công tác quy hoạch KCN, trước và trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư phải quy hoạch thiết kế, xây dựng hệ thống hạ tầng trước, đặc biệt về đường giao thông, hệ thống xử lý khí thải, nước thải và các khu vực trung chuyển rác thải. Mật độ xây dựng phải đảm bảo không gian cây xanh, mặt nước...
Một yếu tố nữa là địa phương đã chú trọng công tác quản lý các KCN. Họ có ban quản lý KCN và quản lý tương đối tốt trong việc thực hiện các chính sách pháp luật trong quản lý KCN.
PV: Hiệp hội đã làm gì để điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp thành viên nhằm tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam đã tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo phổ biến nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022, đặc biệt là nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn khu đô thị, điểm dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn, KCN. Hiện nay, Hiệp hội đang vận động doanh nghiệp, các KCN hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, đặc biệt là công tác tái chế rác thải.
Đồng thời, Hiệp hội đã phối hợp với Hiệp hội tái chế rác thải để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tái chế rác thải, nhất là trong bối cảnh tới cuối năm 2024 sẽ thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Công tác xử lý, tái chế rác sẽ phải có hoạt động rất là rõ ràng, tức là những thành phần rác thải có thể tái chế tái sử dụng được phải được những xí nghiệp công nghiệp hoặc doanh nghiệp vệ sinh môi trường tiếp nhận, xử lý, tái chế để đảm bảo hiệu quả của tái chế rác thải.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm của doanh nghiệp về tái chế rác thải trong quá trình sản xuất phát sinh ra. Nhưng theo ý kiến các thành viên Hiệp hội, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể về công nghệ tái chế, chi phí tái chế, chi phí liên quan tái chế, tái sử dụng như thế nào. Rác thải là tài nguyên, khi tái chế thì doanh nghiệp cần được hưởng lợi, ngoài những quy định về trách nhiệm mang tính bắt buộc, chúng tôi cho rằng, Nhà nước và Bộ TN&MT cần có nghiên cứu tư vấn Chính phủ các chính sách ưu đãi về thuế, về xử lý các thành phần rác thải được tái chế để khuyến khích doanh nghiệp.
PV: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải đã trở thành xu thế tất yếu. Theo ông, các KCN cần làm gì để bắt nhịp xu thế này?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Về mặt xử lý rác thải, Hiệp hội đã vận động các đơn vị thành viên tại các KCN thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong chiến lược quản lý chất thải rắn, đó là giảm khối lượng chôn lấp. Để làm được điều này, thứ nhất, phải tăng cường công nghệ xử lý rác thải, đặc biệt là công nghệ chuyển hóa rác thành năng lượng. Thứ hai, chế tạo phân vi sinh trong các loại công suất khác nhau, từ các khu dân cư cho đến các nhà máy. Thứ ba, thực hiện phân loại rác tại nguồn, thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải ở mức cao nhất, hiệu quả nhất…
Về tổng thể, các KCN cần chú trọng xây dựng hạ tầng xanh, xử lý triệt để rác thải, nước thải, khí thải. Bên cạnh đó, cần hướng tới xây dựng các KCN sinh thái, phế thải của một loại hình công nghiệp này phải trở thành nguyên liệu hoặc bán thành phẩm của một loại hình công nghiệp khác để xử lý và tận dụng triệt để các chất thải. Để làm được việc này, quan trọng là chủ đầu tư và trưởng ban quản lý các KCN phải có kế hoạch trong việc lấp đầy những xí nghiệp trong các KCN của mình như thế nào cho phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!