Mai Sơn (Sơn La): Nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch xã, thị trấn về quản lý TN&MT

Tài nguyên - Ngày đăng : 17:10, 22/02/2023

(TN&MT) - UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng, hành lang giao thông năm 2022; triển khai nhiệm vụ 2023.

Ngày 15/1/2022, UBND huyện Mai Sơn đã tổ chức ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường, quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang giao thông.

a1(2).jpg

Quang cảnh Hội nghị.

Qua 1 năm triển khai, 22 xã, thị trấn cơ bản đã nghiêm túc thực hiện các nội dung, kịp thời giải quyết các vụ việc đột xuất phát sinh. Thường xuyên kiểm tra nắm bắt địa bàn, tập trung tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép; các cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi; các trường hợp hành nghề khoan giếng.

Qua đó, phát hiện, trình UBND huyện xử phạt 65 trường hợp, chủ yếu ở các xã Chiềng Lương, Chiềng Chung, Cò Nòi, Chiềng Ban, Nà Bó, Hát Lót…

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch, xây dựng, giao thông, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Một điểm đáng ghi nhận là trong năm qua, tỷ lệ người dân xin cấp giấy phép xây dựng tăng lên, số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng giảm xuống.

UBND huyện đã cấp 65 giấy phép xây dựng, tăng 14,03%; 26 công trình vi phạm trật tự xây dựng, giảm 21,2% so với năm 2021, trong đó, 2 trường hợp đã tự tháo dỡ vi phạm, xử phạt 2 trường hợp với số tiền 155 triệu đồng, 13 trường hợp đã tuân thủ lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng, các trường hợp còn lại đang làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng.

Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn, các xã đã thành lập Tổ chung tay thu gom, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình với mục tiêu 3 sạch; triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Tổ chức Hội thi tuyên truyền chung tay phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cụm xã tại Nà Bó, Cò Nòi, Phiêng Cằm.

Đến nay, có 10 xã thực hiện thu gom rác thải tập trung; các xã, bản xa trung tâm chủ yếu xử lý bằng đào hố chôn lấp hợp vệ sinh. Vận động người dân thực hiện phân loại rác, hết năm 2022 đã có trên 27.000 hộ thực hiện phân loại; 10.289 hộ thu gom rác tập chung vận chuyển về bãi rác huyện để xử lý.... góp phần nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt 77%.

UBND các xã đã phối hợp với các sở, ngành kiểm tra thực địa đề án đóng cửa mỏ tại xã Chiềng Chăn, Tà Hộc; bàn giao mốc khu vực thăm dò khoáng sản sét làm gạch ngói tại xã Mường Bon; kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản đá vôi làm VLXD thông thường tại xã Cò Nòi. Rà soát, kiểm tra các cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi; xác minh kiến nghị về ô nhiễm tại xã Chiềng Ban, Chiềng Mung, Cò Nòi...

a3.jpg

Lễ ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng tại một số xã còn hạn chế, dẫn tới người dân vi phạm quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san ủi cải tạo mặt bằng khi chưa được phép tại các xã Cò Nòi, thị trấn Hát Lót, Mường Bon, Chiềng Ban…

Còn tình trạng hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ, nông hộ gây ảnh hưởng đến môi trường; hoạt động sơ chế nông sản quy mô nhỏ lẻ xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Một số xã chưa chủ động kiểm tra, phát hiện, chưa kiên quyết xử lý vi phạm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực trong năm 2023. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, chế biến nông sản và khai thác khoáng sản.

Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, một xã từng là "điểm nóng" khai thác khoáng sản cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Lương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về hệ lụy của việc khai thác trái phép với an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên. Tổ chức họp dân tuyên truyền tại 2 bản Lù, Phiêng Nọi và cho nhân dân 2 bản ký cam kết không tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép.

Xã cũng đã rà soát, xác định “điểm đen” có khả năng xảy ra hoạt động khai thác trái phép để chủ động ngăn chặn. Tổ công tác của xã cứ cách một ngày lại vào các điểm có nguy cơ để kiểm tra, nắm địa bàn. Tăng cường rà soát, nắm bắt các trường hợp người địa phương khác đến bản. Qua đó, tình hình vi phạm về khoáng sản trên địa bàn xã Chiềng Lương đã giảm rõ rệt, ổn định hơn.

1.jpeg

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn xã Chiềng Lương đã có nhiều chuyển biến.

Năm 2023, với mục tiêu quản lý chặt chẽ, phát huy nguồn lực tài nguyên, môi trường hướng đến phát triển bền vững, chủ động ứng phó BĐKH, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân. Rà soát, đánh giá tình hình thực thi pháp luật, xác định những tồn tại, hạn chế để hoàn thiện.

Triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; không để phát sinh cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp nhận, kịp thời xử lý đơn thư, kiến nghị, phản ánh của người dân trên các lĩnh vực. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành, các xã, thị trấn trong quản lý nhà nước về TN&MT.

Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài nguyên,môi trường. Tăng cường kiểm tra, chủ động phát hiện, ngăn chặn, giải quyết vi phạm ngay từ cơ sở. Tập trung vào các hành vi: Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích; khai thác khoáng sản trái phép; khai thác nước, xả chất thải trái phép; xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch, hành lang giao thông…

Nguyễn Nga