80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và vinh dự, trách nhiệm của những người làm báo
Trong nước - Ngày đăng : 17:07, 22/02/2023
Sáng 22/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Họp báo tuyên truyền 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chủ trì họp báo. Cùng dự có Nhà báo Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập Báo Văn hóa; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; NSND Trần Bình - nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và hơn 60 báo đài của các cơ quan Trung ương, ban ngành, địa phương…
Lan tỏa các giá trị nội dung, ý nghĩa của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Nội dung họp báo nhằm cung cấp cho các cơ quan báo chí, những người làm công tác quản lý và hoạt động trên lĩnh vực báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên có cái nhìn toàn cảnh về chuỗi hoạt động kỷ niệm sự kiện trọng đại này, đồng thời định hướng những nội dung tuyên truyền để làm sáng tỏ giá trị, ý nghĩa của Đề cương trong hành trình cách mạng Việt Nam và sự nghiệp văn hóa nước nhà.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền của báo chí, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến của các cấp, các ngành, của quần chúng nhân dân, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước… tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Họp báo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, ra đời trong thời điểm cực kỳ quan trọng của cách mạng Việt Nam, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; là kim chỉ nam soi đường cho cách mạng Việt Nam; là cơ sở để các văn kiện của Đảng kế thừa vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi, nhất là những vấn đề có tính chất nền tảng, nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, mục đích tuyên truyền cần làm lan tỏa các giá trị về nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương; tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện; qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa - văn nghệ, đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam thời đại mới và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa trọng điểm
Thông tin tại họp báo, Ban Tổ chức cho biết, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” sẽ diễn ra nhiều hoạt động trọng điểm trên hầu khắp các lĩnh vực, loại hình văn hóa - nghệ thuật.
Một trong những hoạt động quan trọng nhất là Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Hội thảo diễn ra ngày 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố.
Hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. Đặc biệt, làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngay sau hội thảo, ngày 28/2 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề: “Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử”.
Song song với các hoạt động hội thảo, lễ kỷ niệm sẽ là các hoạt động văn hóa nhiều ý nghĩa, trong đó, bộ phim tài liệu 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” sẽ chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó, tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 25/2 đến 3/3 trên phạm vi toàn quốc.
Một triển lãm ảnh cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 27 và 28/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, dự kiến sẽ có khoảng 80 bức ảnh được trưng bày góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền.
Mới lạ, thẳng thắn và trách nhiệm
Trả lời phỏng vấn tại họp báo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, Hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển” sẽ thẳng thắn đề cập đến những nội dung mang hơi thở nóng hổi của đời sống văn hóa hôm nay như giải pháp chấn hưng văn hóa và quản lý văn hóa, giải pháp phát triển văn hóa giai đoạn tới; gỡ vướng đầu tư vào văn hóa; vấn đề tập trung nguồn lực cho mặt trận văn hóa để phát triển văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn; vấn đề xuất khẩu văn hóa, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng Luật văn hóa; thực thi Luật bản quyền trong lĩnh vực văn hóa; đào tạo tài năng cho văn hóa…
Thông tin từ Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, hình thức tổ chức sự kiến sẽ hứa hẹn nhiều điểm mới, sẽ có những bất ngờ dành cho nhân dân, công chúng, báo chí và khán giả bởi có những vấn đề lần đầu tiên được đưa lên sâu khấu, bên cạnh đó là các bài hát, bộ phim mới được đặt hàng sáng tác, sản xuất; đặc biệt bộ phim “Hồ Chí Minh 1946”, và “Những bước đi ngoại giao và cuộc chiến không mong muốn” của các nhà làm phim tự do sẽ thỏa mãn băn khoăn của công chúng và một số nhà báo trong cuộc họp hôm nay về việc tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các nghệ sĩ.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh: Chương trình kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là một sự kiện sinh hoạt lớn, rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc và là nội dung luôn được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa và đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ quan tâm. Vì vậy, đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên phát huy tinh thần báo chí cách mạng trong công tác viết bài, đưa tin để Đề cương thực sự tỏa sáng từ hoặt động tuyên truyền của báo chí.
Còn theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, các cơ quan báo chí cần gương mẫu đi đầu, đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung và hình thức trình bày mới mẻ, sáng tạo, sinh động, giúp bạn đọc dễ nắm bắt, tiếp nhận thông tin, có sức lan tỏa sâu rộng gắn với các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương; nêu bật được mục đích, ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của Đề cương, kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam… Tuyên truyền nhằm khẳng định, lan tỏa ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và vươn tầm thế giới là một trong những trọng trách vinh dự và ý nghĩa của những người làm báo.