Lạng Sơn: Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Môi trường - Ngày đăng : 14:47, 22/02/2023

(TN&MT) - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch số 38 /KH-UBND thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu 60% dân số nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu từ 40- 60 lít/người/ngày đêm; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán.

Ít nhất: 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; 30% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ.

Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh Lạng Sơn đề ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử.

anh-bai-bs-2.jpg
Tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho người dân xã Vũ Lễ (Bắc Sơn, Lạng Sơn).

Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; tổ chức thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm thuỷ sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với cơ sở nông, lâm, thuỷ sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giám sát việc thực hiện các nội dung đã cam kết.

Xây dựng và phát động các phong trào thi đua chuyên đề để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới….

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ về cấp nước và bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của địa phương; ưu tiên lựa chọn các công nghệ sản xuất trong nước, công nghệ hiện đại, tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động tối đa nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, trong đó có xã hội hoá xây dựng các công trình cấp nước tập trung, khu xử lý rác thải quy mô liên huyện; huy động đóng góp của người sử dụng nước để bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn cấp nước sạch nông thôn….

Hoàng Nghĩa