Văn Chấn – Yên Bái: Nạn khai thác đá bán quý ở Minh An chính quyền có làm ngơ?
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:28, 21/02/2023
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tiếp cận một người phụ nữ trung niên, tên T. (xin giấu tên), cách điểm khai thác chừng 600m. Bà T. cho biết: Khu vực phóng viên hỏi, là đầu cầu Khe Mòn, thuộc thôn Đồng Thập, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Chỗ đó, họ khai thác đá từ lâu rồi. Đất gạt ra, lộ vỉa đá phiến lớn là họ dùng máy cắt, cắt vuông miếng rồi cho lên xe, chở đi suốt 1 thời gian dài. Cứ được phiến đá nào ra, là họ chở đi. Số lượng đá nhiều lắm. Cũng theo bà T.: Gia đình đang tổ chức khai thác đá là gia đình ông Lý Kim Thanh, con trai là Lý Kim Long (1987) người địa phương.
Tiếp phóng viên, ông Lý Kim Thanh, người đang ngồi trông coi thợ máy xúc đất, đá. Ông này cho biết: Gia đình tôi chỉ xúc nền nhà thôi. Trong quá trình xúc đất, nó lộ ra cơ đá, nên có để lại vỉa đá cho mấy cai thầu, thợ đá trên Thị trấn Văn Chấn xuống cắt hộ. Và đá chia cho họ.
Khi được hỏi gia đình ông có được chính quyền cấp phép cho khai thác đá không ? Có xin phép hạ cốt nền không? Ông Thanh hồn nhiên trả lời: Chả có giấy tờ gì đâu.
Tại đây, phóng viên thấy cả vạt đồi lớn bị đào xới nham nhở. Vỉa đá đã được cắt thành khối lớn, nặng cả tấn, có phiến vài chục tấn, màu trắng. Được biết, để chở được các phiến đá này đi, người ta phải dùng xe cẩu từ 12 – 24 tấn mới cẩu được.
Để nắm thêm thông tin, phóng viên đã đến làm việc với UBND xã Minh An. Ông Lý Sinh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khu vực khai thác đá trắng đó là của ông Lý Kim Thanh và con trai là Lý Kim Long. Anh Long đã bị UBND xã triệu tập lên, lập biên bản mấy lần về hành vi tự ý khai thác đá. Lãnh đạo UBND xã Minh An cũng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân Lý Kim Long về hành vi “hủy hoại đất”.
Bà Triệu Thị Hiền, cán bộ Địa chính xã Minh An còn cho biết thêm: Trước đó, ngày 5/10/2021, đoàn kiểm tra của xã đã lập biên bản đối với ông Vũ Quốc Cường quản lý cắt đá xẻ và yêu cầu không vận chuyển đá cắt đi ra khỏi địa phương. Ngoài ra, bà Hiền còn cho biết có khá nhiều văn bản chỉ đạo và xử phạt về việc này. Tuy nhiên kể từ đó đến đầu năm 2023, khi phóng viên tiếp xúc vẫn thấy tình trạng khai thác đá, nhiều máy móc được tập kết tại đây.
Phân tích về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc khai thác ở đây rất rõ ràng. UBND xã đã xuống lập biên bản rồi. Nhưng giải quyết số lượng đá vi phạm kia thì không thấy nhắc đến. Vậy số lượng tang vật đó giờ ở đâu? Hay là xử phạt xong rồi các đầu nậu đá đó lại mang lên xe đi bán? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải giám định lại hiện trường, đo vẽ cụ thể để tính toán khối lượng khoáng sản đã mất, thay vì chỉ ở mức lập biên bản, rồi báo cáo.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...