Đổi thay trên quê hương Mai Sơn

Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 21/02/2023

(TN&MT) - Nằm trong trục động lực phát triển dọc Quốc lộ 6, Mai Sơn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh Sơn La. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

“Thay da, đổi thịt”…

Cách trung tâm huyện 86km, tuyến đường nối từ trung tâm huyện Mai Sơn đến Phiêng Cằm - xã vùng 3 đặc biệt khó khăn nay đã được nhựa hóa. Dọc 2 bên đường, những đồi chè, cà phê, vườn cây ăn quả đang dần phủ xanh những thước đất bạc màu.

5(1).jpg

Nhân dân bản Lọng Hỏm, xã Phiêng Cằm ra quân hưởng ứng chủ trương chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn.

Phiêng Cằm có 19 bản, với 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển, cây chè đã bén duyên với Phiêng Cằm từ những năm 2002. Song có thời điểm, người dân phải phá bỏ cây chè do giá thu mua rẻ, nhiều diện tích bị sâu bệnh hại. Hiện nay, diện tích trồng chè đang dần được khôi phục, với 25ha tập trung ở các bản Nong Tầu Mông, Nong Tầu Thái, Huổi Nhả, Phiêng Phụ.

Đến thăm hơn 1,3ha trồng chè của hộ gia đình ông Lò Văn Phúc, bản Nong Tầu Thái, ông Phúc vui vẻ: Trước đây, trồng ngô, sắn kinh tế thấp, lại vất vả, nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định từ cây chè, cuộc sống khá giả hơn xưa. Không chỉ thế, vườn chè còn góp phần tạo cảnh quan, thu hút người dân đến tham quan, chụp ảnh.

Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm Sùng A Châu cho biết: Những năm 2015 trở về trước, Phiêng Cằm nghèo lắm, sự cách trở về giao thông đã làm kinh tế trì trệ, bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng hóa, nông sản bị thương lái ép giá. Tỷ lệ hộ nghèo lên tới 86%.

Từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, đời sống của bà con đang khởi sắc từng ngày. Để giúp người dân đi đúng hướng, xã đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi hơn 460ha đất nương kém hiệu quả sang trồng cà phê, hơn 200ha cây ăn quả các loại như mận, xoài, nhãn, bưởi…; duy trì 25ha diện tích chè đặc sản. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình từ 4-5%/năm.

Mai Sơn hiện có 22 xã, thị trấn, trong đó, 11 xã vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2022, vượt qua khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền, nhân dân các dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,8%.

1(2).jpg

Huyện Mai Sơn phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La.

Hướng tới phát triển xanh, bền vững

Với vị trí, tiềm năng về đất đai, thuận lợi về giao thông, khí hậu, Mai Sơn là một trong những địa phương tập trung đông các cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Sơn La. Đây là lợi thế để phát triển, song đi kèm đó là áp lực rất lớn đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát kiện toàn, thành lập Ban quản lý xã, Ban giám sát của cộng đồng xã, Ban phát triển thôn, bản để triển khai thực hiện các nội dung.

Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách giảm nghèo đến từng người dân, xác định rõ trách nhiệm của người dân tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện và giám sát chương trình, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Đồng thời, rà soát, xác định nguyên nhân vì sao tỷ lệ hộ nghèo còn cao, để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Phân công 42 cơ quan, đơn vị, các chi, đảng bộ cơ sở giúp đỡ 49 bản đặc biệt khó khăn với những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Hướng dẫn cách làm kinh tế, giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ cây trồng vật nuôi; xây dựng công trình nhà lớp học; tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Song song đó, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng các ngày lễ về môi trường; phát động ra quân trồng cây, thu gom rác thải, trao tặng thùng rác, túi vải thân thiện với môi trường, túi nilon đựng rác tự phân hủy…

100% các hộ gia đình đã ký cam kết với UBND các xã về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường; 327/327 thôn, bản, tiểu khu đã xây dựng hương ước, quy ước về BVMT. Gần 70% số hộ đã phân loại rác tại nguồn. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 93%, nông thôn đạt 76,9%. Việc giải quyết đơn thư, ý kiến cử tri, dư luận xã hội được xem xét, xử lý kịp thời, hạn chế “điểm nóng”, bức xúc về môi trường.

2(2).jpg

Năm 2022, Mai Sơn đã thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải gắn với mục tiêu 3 sạch: Sạch bếp – sạch nhà – sạch ngõ.

Đặc biệt, năm 2022, Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn đã xây dựng 12 chủ trương với nhiều nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường như: Chung tay giúp các xã vùng III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; Chỉnh trang khu dân cư đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; Quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển chuỗi du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Chiềng Chung - Phiêng Cằm - Chiềng Dong, chuỗi du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái trải nghiệm Cò Nòi - Hát Lót - Mường Bon - Chiềng Ban - Chiềng Mai - Mường Chanh;

Chung tay phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình gắn với mục tiêu "3 sạch"; Hộ giàu, hộ khá chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế thông qua mục tiêu "mỗi nhà tối thiểu có một cây, một con được nuôi, trồng đảm bảo xanh, sạch theo hướng hữu cơ hàng hóa, mỗi bản, tiểu khu có một vườn chuồng hữu cơ, mỗi xã, thị trấn có một hội sản xuất, sử dụng sản phẩm hữu cơ”…

4(1).jpg

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Mai Sơn đã xây dựng được trên 100 mô hình phụ nữ chung tay phân loại rác tại nguồn.

Linh hoạt giữa tuyên truyền và xử lý vi phạm

Một điểm sáng nữa đáng ghi nhận trong công tác phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường nơi đây là sự nỗ lực phòng ngừa, chủ động kiểm soát ô nhiễm.

Là địa phương có sản lượng cà phê lớn với nhiều cơ sở sơ chế quy mô hộ gia đình, từ năm 2021 tới nay, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt giữa tuyên truyền, vận động và xử phạt, tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế nông sản trên địa bàn huyện đã giảm thiểu rõ rệt. 

Ông Phạm Duy Hùng, Phó Phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Niên vụ 2022-2023, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các hộ sơ chế nông sản đã có những chuyển biến tích cực. Đã chủ động hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường; xây dựng các bể chứa lưu giữ nước thải cà phê, hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường. 

Cùng với đó, Mai Sơn đã tăng cường rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm để có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm ngay từ ban đầu. Xác định các dự án, cơ sở cần ưu tiên quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động.

Tiếp tục tuyên truyền, huy động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, mạnh dạn đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm ngay từ phát sinh. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm trên địa bàn quản lý.

Giai đoạn 2021-2025, Mai Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm; hỗ trợ thí điểm, phát triển 20 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng BĐKH.

Hết năm 2025, có 5 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cơ bản xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Nguyễn Nga