Bảo vệ môi trường trong các KCN ở miền Trung - công cụ đắc lực từ Luật BVMT 2020 - Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Môi trường - Ngày đăng : 14:09, 21/02/2023
Quản lý và kiểm soát ô nhiễm KCN
Khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận có 32 KCN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT. Theo đánh giá, tình hình thực hiện các quy định pháp luật về BVMT tại các KCN ở miền Trung từng bước được quan tâm, chú trọng. Các KCN đã góp phần hạn chế việc phân tán cơ sở sản xuất công nghiệp, thực hiện tập trung sản xuất. Công tác BVMT được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với công tác xử lý nước thải (XLNT), chất thải rắn, khí thải.
Theo kết quả kiểm tra, đến nay, 100% các KCN đều có có hệ thống XLNT tập trung, 100% KCN có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Đề án BVMT chi tiết được phê duyệt. Hơn nữa, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Với định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển KCN sinh thái, được thể chế hóa tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, các KCN ở miền Trung đang thí điểm dịch chuyển sang mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch; gắn kết hoạt động công nghiệp với BVMT.
Nhu cầu chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái rất cao, tuy nhiên đến nay chưa có KCN nào được chính thức công nhận và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Một trong những rào cản được cho là xuất phát từ năng lực của các KCN. Kết quả thanh, kiểm tra của Cục Bảo vệ Môi trường miền Trung và Tây Nguyên (trước đây) cho thấy, nhiều KCN tại miền Trung hồ sơ chưa đầy đủ, hạ tầng thu gom nước thải còn yếu, một số KCN trang bị hệ thống XLNT nhưng chưa đưa vào sử dụng… Điển hình như KCN Quán Ngang (Quảng Trị), hệ thống thu gom nước thải, hệ thống thoát thải và Nhà máy XLNT giai đoạn 1 (công suất thiết kế 1.500m3/ngày đêm) đã xây dựng hoàn thành năm 2021, nhưng tại thời điểm kiểm tra (tháng 9/2022), toàn bộ hệ thống và Nhà máy XLNT chưa được đưa vào sử dụng, nguyên nhân do thiếu hạng mục thiết bị quan trắc tự động, liên tục tại Nhà máy XLNT nên Nhà máy chưa được vận hành thử nghiệm.
Đưa pháp luật BVMT thành “công cụ” BVMT hữu hiệu
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 với 9 nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong KCN như: mở rộng đối tượng phải lập báo cáo ĐTM; phí nước thải bằng 10% giá nước sạch; phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại; chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị công khai thông tin…
Các văn bản pháp luật này đã quy định rõ trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng KCN đến giai đoạn triển khai xây dựng và các nghĩa vụ cụ thể trong quá trình hoạt động.
Hiện nay, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về BVMT theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được các Ban Quản lý KCN tập trung thực hiện nhằm góp phần gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về BVMT.
Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022 được xây dựng bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách BVMT; đặc biệt nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”; cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Thời gian qua, Ban Quản lý đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp ở các KCN nắm vững những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường để sớm áp dụng vào thực tế, góp phần hạn chế tác động môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, từng bước đưa các khu công nghệ cao và KCN trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí của khu công nghệ xanh và sinh thái.” - ông Tỵ cho hay.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, để nâng cao hiệu quả BVMT ở các KCN, Sở TN&MT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đầy đủ nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, viên chức, người lao động các KCN. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với doanh nghiệp, nhà máy, chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Đặc biệt, yêu cầu các KCN phải xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục khí thải, nước thải của các nguồn thải lớn về Sở làm cơ sở theo dõi, giám sát chất lượng môi trường để có biện pháp xử lý, kịp thời khắc phục sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường phát sinh.
Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT
Thừa Thiên - Huế hiện có 6 KCN gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh; tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47ha.
Với phương châm “Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường”, tỉnh đã chú trọng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành các quy định về quản lý, xử lý chất thải của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư tại địa bàn tại các KCN.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng KCN, yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật BVMT của KCN trước khi tiếp nhận các dự án thứ cấp; trong đó, phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải; hệ thống XLNT tập trung của KCN phải đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Các doanh nghiệp trong KCN phải hợp đồng thoát nước thải với các chủ đầu tư hạ tầng trước khi đi vào hoạt động.
Đối với các dự án sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành công trình XLNT, khí thải phát sinh theo cam kết tại hồ sơ môi trường của dự án; chất thải được xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Đối với chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, yêu cầu các doanh nghiệp phải ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với đơn vị có chức năng theo quy định.
Hiện tỉnh đang tiến hành phổ biến những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho các doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó, chú trọng khuyến khích, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tăng cường phân loại chất thải, tuần toàn, tái sử dụng chất thải, đồng xử lý chất thải, thu hồi năng lượng… nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên. Ngoài ra, đôn đốc các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh:
Cần có giải pháp đầu tư đồng bộ hạ tầng
Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế trọng điểm, 2 KCN thuộc quy hoạch KCN quốc gia và 23 cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp. Những năm qua, công tác quản lý về môi trường những khu vực này luôn được chú trọng. Tuy vậy, thực trạng hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý chất thải còn yếu kém khiến vấn đề BVMT tại đây đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường tại các CCN ở Hà Tĩnh hiện nay chủ yếu từ môi trường nước, không khí và từ chất thải rắn đang ở mức cao.
Số liệu thống kê, nhiều KCN, CCN hoạt động đã lâu, có nơi đi vào hoạt động gần chục năm nay nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn. Các doanh nghiệp, xí nghiệp hoạt động trong các CCN chỉ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ vận chuyển và xử lý. Trong khi đó, theo ước tính, có khoảng gần 50% trong tổng số hàng ngàn m3 rác/ ngày - đêm phát sinh từ các KCN, CCN.
Một vấn đề cần lưu tâm, đó là với mục tiêu khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, những năm gần đây, một số ngành nghề sản xuất ở các KCN, CCN đang có những dịch chuyển nhất định. Tuy nhiên, chất thải tạo ra khi ngành nghề sản xuất thay đổi có thể là hóa chất, chất độc hại cần một quy trình xử lý mới nhưng quy trình xử lý chất thải vẫn giữ nguyên như cũ.
Để giải quyết vấn đề môi trường tại các khu vực này, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về công tác BVMT, xử lý các nguồn chất thải tại các KCN, CCN; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại thân thiện môi trường trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt chính sách phát triển bền vững. Đặc biệt quan trọng, hạ tầng phải được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển gắn với BVMT.
Ông Hồ Uyên Vũ - Phó Trưởng phòng TN&MT - Ban Quản lý KKT Đông Nam (Nghệ An):
Huy động mọi nguồn lực chung tay BVMT
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 6 KCN đang hoạt động với 138 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Các KCN đang hoạt động được đầu tư hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng được yêu cầu trong công tác BVMT.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác BVMT trên địa bàn khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các KCN Nghệ An, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã chủ động triển khai các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT tổ chức tập huấn pháp luật BVMT năm 2022. Nâng cao năng lực tiền kiểm, tăng cường công tác hậu kiểm. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình BVMT theo nội dung giấy phép môi trường. Kiểm tra công tác BVMT theo định kỳ hoặc đột xuất đặc biệt đối với nhóm dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường, nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường.
Phát huy, huy động mọi nguồn lực chung tay BVMT, đặc biệt chú trọng tăng cường nguồn nhân lực cao đầu tư cho sự nghiệp BVMT, bổ sung cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về môi trường; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT và áp dụng các biện pháp kinh tế trong BVMT; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT; Đầu tư mua sắm trang bị máy móc, thiết bị công nghệ cao phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Ban Quản lý KKT Đông Nam… để từng bước nâng cao chất lượng kiểm soát môi trường.