Phải lòng Lộ Diêu

Văn hóa - Ngày đăng : 14:08, 21/02/2023

(TN&MT) - Lang thang dọc theo con lộ phẳng lì sát bờ cát trong những ngày đầu xuân, biển không còn dữ dội ồn ào mà chỉ thấy dịu êm lặng lẽ khi đất trời đã sang mùa. Suốt chiều dài hơn 3.200km từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, có biết bao bãi bờ mà vẻ đẹp của nó làm mê hoặc trái tim người yêu biển.

Chẳng khác nào những nàng tiên cá sau khi vẫy vùng cùng sóng nước, nằm phơi mình dưới ánh nắng dịu nhẹ lúc mùa sang, những bờ cát dài cứ lồ lộ dáng kiêu sa kỳ vĩ của mình làm đắm say lòng người. Là người con của vùng duyên hải, tôi yêu bãi biển quê mình đến lạ kì. Mỗi khi xa vắng hơi lâu, tôi lại muốn chạy ào đến bên nó để được nằm sóng soài trên bờ cát trắng phau mà nghe những con sóng, bì boạp vỗ vào bờ đá, để được đắm mình vào làn nước mát lạnh của đại đương bao la... Ôi Lộ Diêu! Nàng tiên cá giáng trần của Hoài Nhơn, Bình Định.

13-2-.jpg

Áng chừng cách đây tầm hai mươi năm, cái tên của vùng biển này vẫn còn xa lạ đối với nhiều người. Khi ấy nàng tiên cá Lộ Diêu gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi muốn ngắm được nàng, ta phải vượt qua dãy núi cao vút trườn ra sát ngoài bờ cát bằng con đường đèo cheo leo. Con đường ấy là lối mòn giao thương qua lại của người dân làng chài. Những đôi bầu mắm, những gánh cá tươi roi rói cứ lắc lẻo trên vai những người phụ nữ mà vượt đèo để đến với mọi người. Những chiếc xe máy Minsk với đôi giỏ thồ như làm xiếc trên cung đường độc đạo ấy.

Lộ Diêu tựa như cô gái dậy thì chưa biết chăm sóc vẻ kiều diễm của mình. Nhìn từ trên cao, bờ cát dài trắng phau như vầng trăng lưỡi liềm rơi từ trên bầu trời đêm nào đó rồi nằm lại nơi đây mãi mãi. Vầng trăng ấy cứ nằm im để cho những con sóng lăn tăn vỗ về, rì rầm suốt đêm ngày. Chúng cứ mãi quấn quýt bên nhau kể cho nghe những câu chuyện về đại dương. Gành đá nhấp nhô nhoi mình ra biển như muốn vui đùa cùng sóng nước. Chúng đứng sừng sững cho bao con sóng mơn man mỗi sáng, mỗi chiều. Vào mùa nước cạn, đám rêu xanh chẳng biết từ đâu bám đầy trên bề mặt. Gành đá khoác lên mình tấm áo choàng xanh rì, mượt như nhung nhô lên khỏi mặt nước tạo nên bức tranh đẹp đến lạ thường.

Tầm ba bốn giờ sáng, khi mặt biển còn phủ một lớp trắng xóa chưa rõ mặt người, những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã lội bì bõm trong nước tìm chỗ đặt chân máy để ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa rêu Lộ Diêu lúc bình minh ló rạng. Ngôi làng chài nằm vắng lặng dưới chân núi nghe biển hát tự ngàn đời. Những ngôi nhà đơn sơ chen chúc nhau theo nhiều hướng quấn quýt, tương trợ lẫn nhau mỗi khi biển cựa mình thét gào hay lặng im cho những cơn gió từ đại dương mênh mông thổi vào ve vuốt. Khi xưa, trong những ngày hè nơi miền Trung nắng cháy da người này, tôi và đám bạn rủ nhau đi Lộ Diêu. Hành trình dài vượt qua con đèo cao ngất đủ làm cho đôi chân dù có khỏe đến mấy cũng phải rã rời. Nhưng mọi mệt mỏi sẽ tan biến nhường chỗ cho sự háo hức choáng ngợp lòng mình khi ta vừa chạm đỉnh đèo. Mở ra trước mắt là màu ngọc bích của biển cả trải dài đến ngút ngàn tầm mắt. Rặng dừa xanh rợp bóng ngôi làng chài ven bờ như nét cọ của người họa sĩ quệt một đường cong mà đích cuối là cái gành đá nhô ra biển như một điểm nhấn cho bức tranh phong thủy hữu tình. Chúng tôi chỉ muốn chạy thật nhanh để được ào xuống vẫy vùng trong làn nước trong veo mát lạnh, để được bờ cát trắng phau mịn màng kia bịn rịn níu lấy bước chân mình. Bởi giao thông gian nan hiểm trở nên khi ấy, nhiều trẻ em nơi này cũng dừng lại sự học của mình ở ngôi trường làng mà bám biển mưu sinh. Những tình nguyện viên lại trèo đèo mang cái chữ đến vùng biển tuy không xa nhưng cách biệt này. Ánh đèn dầu đêm đêm vẫn sáng cùng tiếng đọc bài với hy vọng một ngày nào đó nàng tiên cá Lộ Diêu sẽ bừng tỉnh giấc ngủ dài.

13-3-.jpg

      Lộ Diêu tựa như cô gái dậy thì chưa biết chăm sóc vẻ kiều diễm của mình. Nhìn từ trên cao, bờ cát dài trắng phau như vầng trăng lưỡi liềm rơi từ trên bầu trời đêm nào đó rồi nằm lại nơi đây mãi mãi. Vầng trăng ấy cứ nằm im để cho những con sóng lăn tăn vỗ về, rì rầm suốt đêm ngày.

Năm 2001, con đường đèo quanh co, khúc khuỷu được mở rộng và hạ thấp độ cao. Lộ Diêu trở mình sau bao tháng năm dài lặng lẽ. Ngôi làng chài giờ nhộn nhịp hơn với khách thập phương đổ về mỗi ngày khi giao thông thuận lợi. Những hàng xe nối dài bên bờ cát những chiều hè. Nhiều hàng quán mọc lên phục vụ cho nhu cầu của du khách. Những ngôi nhà mới cao thấp nhấp nhô dưới bóng dừa xanh mát.

Một lần, tôi đưa những người bạn cùng lớp đại học của mình cắm trại qua đêm ở Lộ Diêu. Còn gì thú vị hơn khi bên đống lửa trên bờ cát, cảm nhận làn gió từ khơi xa thổi vào mơn man làn da và nghe sóng biển từng lớp, từng lớp xào xạc xô bờ. Men rượu quê cùng thứ hải sản không thể tươi hơn nơi đây làm ta lâng lâng hay vẻ đẹp của cô gái xuân thì Lộ Diêu làm ta say không biết nữa. Tiếng guitar của một bạn trẻ nào đó văng vẳng tan vào màn đêm bàng bạc da diết. Câu hát “Tiếng sóng xô bãi cát, tiếng biển xanh đang hát, tiếng sóng ru êm biển hát khơi xa...” bị làn gió đêm xô đi lúc rõ, lúc nhòe như tiếng rì rào xa gần của rặng phi lao còn sót lại ven bờ. Ta chẳng thể chìm sâu giấc ngủ vào lúc bình minh khi những con tàu nhỏ đánh bắt ven bờ cập bến. Tiếng lao xao mua bán hải sản nhộn nhịp. Những rổ cá lấp lánh ánh bạc được đưa vào bờ để lên đường cho kịp phiên chợ. Có những hôm tôi cùng với những người bạn thể dục bằng xe đạp gò lưng trên con ngựa sắt vượt đèo tắm biển đón bình minh và thưởng thức hải sản tươi ngon nơi đây. Cảm giác thật là tuyệt khi được ngâm mình trong con nước triều dâng cảm nhận cá bơi chạm dưới chân mình.

Những năm chiến tranh, ngôi làng chài nằm dưới chân đèo này là căn cứ cách mạng vững chắc. Đây là nơi cập bến của những con tàu không số chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1999, khi còn làm công tác Đoàn, chúng tôi tổ chức chuyến cắm trại về nguồn, cả trường rồng rắn khiêng vác lỉnh kỉnh đủ thứ vượt đèo về với địa chỉ đỏ. Chuyến đi để lại nhiều ký ức đẹp cho nhiều cô cậu học trò mà giờ đây cũng đã bắt đầu tuổi trung niên. Đến Lộ Diêu hôm nay còn có một địa điểm để check in lý tưởng khi Di tích lịch sử tàu không số vừa mới được Bộ Tư lệnh Hải quân đầu tư xây dựng, tạc sừng sững ngay dưới chân đèo. Đó như một cột mốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau soi rọi vào mà tự hào, mà gìn giữ lấy biển trời thiêng liêng của ông cha ta từ ngàn xưa để lại.

Tôi từng thấy những du khách cao nguyên khi được về với biển, họ không muốn lên bờ mà mãi đắm mình trong làn nước vì hiếm có dịp; Một cô gái đến từ Lào - đất nước không có biển, đã rơi nước mắt nuối tiếc khi thấy những vùng biển của ta bị ô nhiễm. Vậy tại sao ta không biết chăm sóc những nàng tiên cá tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng cho mình? Hãy gìn giữ và khai thác môi trường biển sao cho hợp lý, để cho ta và cho con cháu muôn đời sau vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ ấy.

Tiếng sóng của biển Lộ Diêu mãi xô bờ tung bọt trắng xóa mang những băn khoăn của một người yêu biển như tôi hòa vào đại dương mênh mông. Bờ cát cứ như níu lấy chân mình lúc chia tay khi hoàng hôn tím sẫm loang mặt nước. Nàng tiên cá Lộ Diêu cũng bắt đầu cựa mình đưa những con tàu nổ máy vượt sóng cho một chuyến đánh bắt đêm nhiều hứa hẹn. Lộ Diêu ơi! Ta phải lòng nàng rồi đấy nhé!

Bùi Duy Phong