Bộ Công thương góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 18:10, 20/02/2023

Chiều 20/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng Bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là đối với ngành Công Thương bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong Ngành và có thời gian sử dụng dài, hệ số sinh lời cao.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các đại biểu làm sâu sắc hơn những nội dung trọng tâm liên quan đến toàn bộ dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) nói chung và nhất là các nội dung liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

z4124236832288_80880d1ef3f078b4fc717bae5ec07d9a.jpg
Quang cảnh hội nghị

Đó là các vấn đề liên quan đến đất sử dụng trong hoạt động khoáng sản (dầu khí, than, khai thác mỏ và chế biến khoán sản); đất cụm công nghiệp; đất thương mại dịch vụ; đất phát triển hạ tầng chợ; đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng và đất sử dụng trong phạm vi bảo vệ và phạm vi phụ cận đập, hồ chứa nước thuộc công trình thủy điện...

Liên quan đất Cụm công nghiệp được quy định tại Điều 194 Dự thảo Luật, Cục Công thương địa phương cho rằng, qua công tác quản lý, theo dõi đầu tư, phát triển CCN, việc Nhà nước có chính sách giảm tiền thuê lại đất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường đầu tư trong các CCN và quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong các CCN là hết sức cần thiết. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm đối tượng CCN vào khoản 8 và 9 Điều 194.

Bên cạnh đó, xem xét lại thủ tục UBND cấp tỉnh xin ý kiến thống nhất của các Bộ trong việc “xác định quỹ đất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường” của các tỉnh/thành phố vì phát sinh thêm thủ tục, thời gian. Nội dung này nên giao quyền cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để chủ động xác định quỹ đất này….

Còn tại Điều 194 Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho thuê đất đối với CCN tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư (được nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và cho thuê lại đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN). Việc này, sẽ khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong việc cho thuê đất đối với CCN tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn tại các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước có trên 540 CCN với tổng diện tích khoảng 10.400 ha do các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (Trung tâm phát triển CCN, Ban quản lý CCN, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, UBND cấp huyện/cấp xã,…) làm chủ đầu tư; các CCN này phần lớn được hình thành từ trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Trong số 540 CCN nêu trên, có trên 50% là các đơn vị Nhà nước không phải là đơn vị sự nghiệp công thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn làm chủ đầu tư; vì vậy, nếu chỉ quy định như tại khoản 2 Điều 194 Dự thảo Luật thì chưa có cơ chế cho thuê đất đối với các CCN do đơn vị nhà nước không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn làm chủ đầu tư, đây là khó khăn, vướng mắc chưa có hướng xử lý. Để xử lý, khắc phục tồn tại này, Cục CTĐP kiến nghị bổ sung nội dung sau vào Điều 234 Quy định chuyển tiếp của Dự thảo Luật như sau: “Trường hợp cụm công nghiệp tại địa bàn kinh tế - xã hội không thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực hoặc cụm công nghiệp được thành lập vì mục tiêu đặc biệt do Chính phủ quy định; do đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp huyện, UBND cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 123 Luật này”.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)  cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 126 Luật Đất đai hiện hành, có thể hiểu đất chợ không nằm trong các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý tài sản công các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư đều là tài sản công: “Khoản 3. Điều 83: Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”.

Do đó, khi bán tài sản công gắn liền với đất thì thực hiện theo quy định của Luật Quản lý Tài sản công. Theo Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, việc bán tài sản công thực hiện theo hình thức đấu giá.

Do đó, cần rà soát vấn đề này để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Quản lý sử dụng tài sản công và dự thảo Luật Đất đai. Những vướng mắc cần được quy định cụ thể luôn trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Sau khi lắng nghe các ý kiến này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện ban soạn thảo cho rằng, các ý kiến đóng góp là hết sức thiết thực, sâu sắc, làm rõ nhiều vấn đề...Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu và bổ sung vào dự thảo.

Theo kế hoạch lấy ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Công dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2023.

Tuyết Nhi