Thái Nguyên áp dụng phương án phòng, chống thiên tai giúp “an dân”

Môi trường - Ngày đăng : 15:16, 20/02/2023

(TN&MT) - Những năm gần đây, cuộc sống của người dân ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dần đi vào ổn định, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
lopmai10-9-2021.jpg

Thành viên Đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Hà Châu (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở bị hỏng do mưa lớn

Triển khai hàng loạt dự án ổn định dân cư

Mỗi năm, nước ta hứng chịu thiệt hại về vật chất lên đến hàng tỷ USD. Do đó, việc áp dụng hiệu quả các giải pháp ứng phó với thiên tai có thể giúp người dân giảm được gánh nặng tổn thất do thiên tai gây ra, giúp họ ổn định, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai một số dự án sắp xếp dân cư trên địa bàn tỉnh; cũng như thực hiện hình thức tái định cư di chuyển dân xen ghép và ổn định tại chỗ. Để giải quyết nhu cầu bố trí dân cư khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, hằng năm, căn cứ nguồn vốn được Trung ương và tỉnh giao, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã có văn bản triển khai tới UBND các huyện, thành phố để rà soát nhu cầu của các hộ dân.

Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị các địa phương rà soát, bình xét song song việc bố trí các hộ vào khu tái định cư đã xây dựng, tăng cường hình thức tái định cư di chuyển dân xen ghép và ổn định tại chỗ kết hợp lồng ghép với phương án phòng, chống thiên tai.

Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2021, Chi cục đã thực hiện bố trí, ổn định dân cư cho 449 hộ vùng thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, sụt lún đất. Trong đó, có 156 hộ di chuyển đến các khu tái định cư tập trung; 134 hộ di chuyển xen ghép ở các khu dân cư hiện có; 159 hộ dân được hỗ trợ thực hiện các giải pháp ổn định tại chỗ như: tôn, dịch nền nhà; tạo bờ, kè, rào chắn...

Chi cục cũng đã hỗ trợ xây dựng 3 khu tái định cư ở các xã Linh Thông (Định Hóa), Bình Long (Võ Nhai) và phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) để di chuyển 116 hộ dân; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để ổn định dân cư với 7 dự án (xây dựng được 20 tuyến đường giao thông nông thôn, 5 công trình kênh mương nội đồng; 2 nhà văn hóa xã; 1 nhà văn hóa xóm và 1 công trình chợ).

img_4170.jpg(1).jpg

Thái Nguyên chú trọng kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn

Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các địa phương và ngành chức năng triển khai một số dự án ổn định dân cư giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Một số dự án điển hình như: Ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét thuộc 6 xã: Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh và Ký Phú (Đại Từ); Dự án xây dựng khu tái định cư tập trung để di chuyển khẩn cấp cho 12 hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai xã Quân Chu (Đại Từ), Dự án khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét xã Kim Phượng (Định Hóa)…

Chi cục cũng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho các dự án bố trí dân cư đạt hiệu quả. Các dự án bố trí dân cư được triển khai cùng với những chính sách hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống nhân dân vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nhằm xem xét điều kiện thực tế tại một số điểm dân cư để xây dựng phương án sắp xếp, ổn định dân cư theo những hình thức như: bố trí xen ghép, bố trí tập trung, bố trí ổn định tại chỗ theo các chế độ chính sách, quy định hiện hành.

Xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó

Bên cạnh việc triển khai hình thức tái định cư di chuyển dân xen ghép và ổn định tại chỗ tại vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó, tạo sự chủ động cho người dân trước thiên tai, đặc biệt khi mùa mưa bão đến gần.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP. Thái Nguyên, trước mùa mưa bão năm 2022, TP. Thái Nguyên đã xây dựng các phương án PCTT&TKCN. Trong đó, tập trung vào các vị trí xung yếu, trọng điểm, như: Công trình thủy lợi trọng yếu; khu vực khai thác khoáng sản; khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, lũ quét. Với từng vị trí, thành phố đều có phương án chủ động ứng phó với tình hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả".

Đối với 4 công trình trình thủy lợi trọng yếu trên địa bàn (gồm: Đê Hữu Cầu và kè chống lũ sông Cầu; đê bối; đê Gang Thép, công trình đập Thác Huống; công trình hồ Núi Cốc), Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Thái Nguyên đã xây dựng tình huống sự cố giả định, từ đó lập phương án kỹ thuật; phương án vật tư, phương tiện, nhân lực; phương án huy động lực lượng tại chỗ; lực lượng hỗ trợ và lực lượng ứng phó.

Theo Hạt Quản lý đê TP. Thái Nguyên, thuộc Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2022, Hạt quản lý trực tiếp 2 tuyến đê Mỏ Bạch và Gang Thép. Hằng năm, dựa trên nhiệm vụ được giao, Hạt phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện công trình đê điều trước, sau mùa mưa lũ. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án hộ đê trình cấp trên phê duyệt. Công tác quản lý hoạt động xây dựng lấn chiếm đê điều cũng được tăng cường. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, trên tuyến đê Mỏ Bạch và Gang Thép không xuất hiện tình trạng này.

Bên cạnh bảo vệ các tuyến đê, TP. Thái Nguyên còn chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, xử lý các khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, lũ quét. Trọng điểm là các xã, phường ven sông Cầu, sông Công, các tuyến suối, khu vực đường giao thông trên địa bàn.

Đối với các khu vực khai thác khoáng sản, trọng điểm là bãi thải Mỏ than Khánh Hòa; khu vực khai thác than của Công ty CP Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên… thành phố chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các sự cố công trình phòng, chống thiên tai trước, trong và sau mùa mưa bão; yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên gia cố bảo vệ các công trình, đảm bảo an toàn đê chống sạt lở…

Để xử lý các tình huống ngập úng khi xảy ra mưa bão trên địa bàn, đặc biệt tại các xã, phường trung tâm, TP. Thái Nguyên đã rà soát, nạo vét khơi thông dòng chảy; đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra… Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ trước mùa mưa bão để xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn...

Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, Thái Nguyên đã ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tính đến tháng 5/2022, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia…

Lan Chi