Tuyên Hoá (Quảng Bình): Đảm bảo đất ở, đất sản xuất giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”

Đất đai - Ngày đăng : 11:20, 20/02/2023

(TN&MT) - Huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình có địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn sông suối, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Với gần 70% lao động sống ở nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, những năm qua, chính quyền các cấp của huyện luôn quan tâm đến công tác bố trí đất ở, đất sản xuất, giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”.

Những ngôi nhà mới ở Thuận Tiến

Vừa ôm cháu và đưa chiếc chổi chít quét nền sàn gạch bóng loáng của ngôi nhà khang trang, bà Hoàng Thị Trí ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hoá vui mừng ra mặt khi chúng tôi hỏi về điều kiện sinh hoạt tại nơi ở mới. Bà cho biết, trước đây sống ở nơi cũ, mỗi khi mưa bão lớn là rất lo lắng, có khi đêm không ngủ được. Sau trận sạt lở đất nghiêm trọng tháng 10/2020 xảy ra, bà con được di đời đến nơi ở mới, nhờ đó mới được “ăn ngon ngủ kỹ” như ngày hôm nay. Vị trí mới cũng rất thuận tiện cho công việc canh tác, không có khó khăn gì. “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở khu tái định cư rất cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, thiết thực của các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức thiện nguyện trên cả nước”, bà Hoàng Thị Trí cho biết.

img_9092.jpg
Những ngôi nhà mới mọc lên khang trang tại dự án Khu di dân tại xã Thuận Hóa. Ảnh: Thanh Tùng

Cùng tâm trạng như bà Trí, anh Trần Minh Trường sống trong khu tái định cư cho biết rất phấn khởi, yên tâm với nơi ở mới. Anh tâm sự, sau trận sạt lở đất, mỗi gia đình bị thiệt hại do sạt lở được hỗ trợ 139,4 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để làm nhà mới. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam huyện Tuyên Hóa cũng hỗ trợ mỗi gia đình 25 triệu đồng từ nguồn cứu trợ của tỉnh. Sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, các hộ dân được bàn giao mặt bằng và tiến hành xây dựng nhà ở từ tháng 4/2021. Bên cạnh nguồn hỗ trợ, nhiều gia đình ở trong khu đã vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà ưng ý hơn. Khu ở mới ở vị trí cao ráo, gần sông Gianh nên mát mẻ, bà con rất phấn khởi.

Thông tin từ UBND huyện Tuyên Hoá cho biết, trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân huyện miền núi Tuyên Hóa. Riêng tại địa bàn xã Thạch Hóa và xã Thuận Hóa, sạt lỡ đất do mưa lũ đã vùi lấp và phá hỏng nhiều ngôi nhà, đe dọa tính mạng của người dân. Cụ thể, có 20 hộ ở thôn Đạm Thủy 1 và Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa và 15 hộ ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới do nguy cơ sạt lỡ có thể tiếp diễn. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo huyện Tuyên Hóa nhanh chóng triển khai xây dựng các khu tái định cư để bố trí chỗ ở cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuyên Hóa cho biết, dự án xây dựng các khu tái định cư cho người dân bị thiệt hại do sạt lở đất do mưa lũ vào tháng 10/2020 được triển khai từ tháng 3/2021. Kinh phí xây dựng mặt bằng trên 16 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh. Theo đó, dự án Khu di dân tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa có tổng diện tích hơn 13 nghìn m2. Kinh phí xây dựng mặt bằng đã được duyệt hơn 9 tỷ đồng. Công trình đưa vào sử dụng đã giải quyết chỗ ở kiên cố cho bà con vùng sạt lở, ổn định cuộc sống.

Cùng với dự án Khu di dân tại xã Thuận Hóa, tại xã Thạch Hóa, việc tái định cư cho 20 hộ dân bị sạt lở đất ven sông Gianh cũng đã được tiến hành xong. Theo đó, Khu tái định cư thôn Đạm Thủy 1 và Đạm Thuỷ 2, xã Thạch Hóa với tổng diện tích đất quy hoạch là 12.287m2, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật được duyệt là gần 7,3 tỷ đồng, đã được thi công hoàn thành và phân giao cho các hộ dân.

Chú trọng đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên 112.869,39 ha; toàn huyện có 18 xã, 1 thị trấn, dân số trên 91.353 người. Dân số trên địa bàn huyện đa số thuộc dân tộc Kinh, ngoài ra có người Mã Liềng sống tập trung tại 4 bản của 2 xã Thanh Hoá, Lâm Hoá và một số dân tộc khác sống rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đa phần còn nhiều khó khăn. Chính bởi vậy, quan tâm đến đối tượng này là một ưu tiên của các cấp chính quyền trong huyện.

Nhằm giúp người dân có đất ở, đất sản xuất đảm bảo cuộc sống, trong những năm qua, UBND huyện Tuyên Hóa rất quan tâm đến công tác giao đất, quy hoạch đất sản xuất để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, về đất ở, tại xã Lâm Hóa 87 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao đất ở với diện tích 16,30 ha; xã Thanh Hóa đã giao cho 36 hộ với diện tích 1,4 ha, hiện vẫn còn 10 hộ có nhu cầu được giao đất; xã Sơn Hóa có 3 hộ đồng bào được giao 1,45 ha.

4-1-.jpg
Nhiều người dân tại xã Lâm Hoá làm giàu từ rừng. Ảnh: Xuân Vương

Đối với đất lâm nghiệp, xã Lâm Hóa đã giao cho cộng đồng dân cư 3 bản là 747,91 ha; xã Thanh Hóa đã giao cho 35 hộ với diện tích 43,8 ha; xã Sơn Hóa đã giao cho 3 hộ với diện tích 22,70 ha. Về đất sản xuất nông nghiệp, xã Lâm Hóa đã giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số 24,04 ha; xã Thanh Hóa đã giao cho 37 hộ với diện tích 12,7 ha; xã Sơn Hóa đã giao cho 3 hộ với diện tích 1,98ha. Ngoài ra, tại bản Cáo (xã Lâm Hoá), UBND xã đã tiến hành khai hoang diện tích đất thuộc quỹ đất cộng đồng để người dân sản xuất nông nghiệp với diện tích là 5 ha đảm bảo cho tất cả các hộ đồng bào ở đây đều có đất sản xuất nông nghiệp.

Nhờ diện tích đất ở, đất sản xuất được giao, những năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lâm Hoá và Thanh Hoá đã ổn định cuộc sống, năng động thay đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, UBND huyện Tuyên Hoá cho rằng, công tác giao đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn những hạn chế nhất định. Theo đó, hiện nay trên địa bàn các xã còn một số trường hợp tồn đọng của từng loại đất sản xuất chưa được giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do đặc điểm địa hình phức tạp, nhiều đồi núi nên tại các bản diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, không có khả năng mở rộng, quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp cho bà con đồng bào sản xuất.

Mặt khác, với diện tích đất lâm nghiệp, do đã giao cho cộng đồng quản lý nên tất cả các hộ đồng bào đều có đất và tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng thuộc quỹ đất cộng đồng. Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng quản lý chủ yếu là đất rừng bảo vệ, diện tích đất đã được thẩm định chuyển qua trồng rừng còn ít chưa đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng sản xuất của bà con dân tộc.

Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện Tuyên Hoá kiến nghị chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp đủ điều kiện qua đất trồng rừng để đồng bào dân tộc có đất trồng rừng sản xuất. Đào lấp, khai hoang một số diện tích đất thuộc quỹ đất lâm nghiệp và đất bằng chưa sử dụng có khả năng sản xuất qua đất sản xuất nông nghiệp để giao cho các hộ đồng bào còn thiếu đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí khai hoang, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới, hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tại Tuyên Hoá đã giảm từ 31,77% vào đầu năm 2016 xuống còn 6,72% vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 (bình quân giảm 5,01%/năm trong 5 năm) và còn 6,87% năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,78 triệu đồng/người năm 2015 lên 38 triệu đồng/người năm 2020.

Thanh Tùng