Phụ nữ Quảng Ngãi hành động vì môi trường sạch

Môi trường - Ngày đăng : 11:17, 20/02/2023

(TN&MT) - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thành công nhiều mô hình, cách làm sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần chung tay với địa phương bảo vệ môi trường, đưa nhiều vùng quê trở nên xanh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ.

PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Thị Sương – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu về các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại địa phương.

huynhthisuong.jpg
Bà Huỳnh Thị Sương – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi

PV: Thưa chị, phụ nữ vừa là “đối tượng” vừa là “chủ thể” trong việc phân loại, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa? Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy lợi thế này trong việc vận động giảm thiểu rác thải nhựa như thế nào?

Bà Huỳnh Thị Sương: Từ năm 2020, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai chương trình "Truyền thông thay đổi hành vi về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và phong trào chống rác thải nhựa" hướng tới nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi thực hiện phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo 100% cơ sở Hội tích cực vận động cán bộ, hội viên phụ nữ triển khai thực hiện việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Các cơ sở Hội đã chủ động đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động và thu hút trên 85% hộ gia đình tham gia.

Để phong trào lan toả, các cấp Hội lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt định kỳ, các buổi sinh hoạt chi tổ Hội, khu dân cư, về chống rác thải nhựavà hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường ,… nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), Ngày Môi trường thế giới (5/6),..

Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở; phát tài liệu về giữ gìn môi trường, vận động hội viên thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, hạn chế sử dụng túi ni lông, không xả rác thải ra sông, đường làng ngõ xóm,…

Tổ chức phát động và hướng dẫn chị em xây dựng các mô hình về Chống rác thải nhựa như:Giỏ xinh đi chợ, Đi chợ cùng cặp lồng, Giỏ rác gia đình, Thu gom phế liệu, Biến rác thải thành tiền, Phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình, Hố rác gia đình,…

Có thể nói chị em là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong thực hiện phân loại rác thải tái chế. Bằng nhiều cách làm hay, những mô hình hiệu quả, sáng tạo mà các cấp hội triển khai thực hiện để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

PV: Phong trào giảm thiểu rác thải nhựa trong các cấp Hội Phụ nữ ở Quảng Ngãi đang thực sự lan toả, tuy nhiên, còn điều gì cần phải cải thiện để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ?

Bà Huỳnh Thị Sương: Chúng tôi thấy rằng việc phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa phụ thuộc nhiều vào ý thức của chị em. Do vậy, chúng tôi tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm giảm sử dụng túi ni- lông, đồ nhựa dùng một lần và các sản phẩm làm từ nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh việc khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thay đổi, sử dụng các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế cho túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, bằng các loại ly giấy, ống hút thân thiện với môi trường như bằng tre, sứ, gỗ,…

Ngoài ra, trong tương lai, thông qua hoạt động thu gom rác tài nguyên tại nguồn, các chi hội sẽ hướng tới tạo sinh kế cho phụ nữ khó khăn thu mua ve chai tại địa phương.

quangngai.jpg
Phụ nữ Quảng Ngãi hưởng ứng mô hình "Ngôi nhà xanh tiết kiệm" thực hiện phân loại rác và giảm rác thải nhựa

PV: Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục có những giải pháp và kiến nghị gì để phong trào giảm rác thải nhựa thực sự trở thành thói quen, nếp sống để xây dựng cuộc sống sạch hơn, an toàn hơn?

Bà Huỳnh Thị Sương: Đối với huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn về sinh môi trường là cần thiết; tuyên truyền, vận động phụ nữ sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; tổ chức chiến dịch truyền thông, phổ biến đến hội viên, phụ nữ về nguy cơ ô nhiễm từ nhựa và nilon nhằm thay đổi hành vi thói quen, tiến tới hướng tích cực sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đồng thời, cần có một giải pháp đồng bộ mang tính bắt buộc đối với các bên liên quan, tập trung vào khâu thu gom như các chi Hội sẽ lập các điểm, các Mô hình thu gom rác thải với mức thu mua giá phù hợp, rẻ để thực hiện công tác an sinh và thu hút hội viên, phụ nữ phân loại rác thải, gom phế liệu đến bán, từ đó tận dụng nguồn tiền bán phế liệu để hỗ trợ cho các phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Thứ hai là duy trì các biện pháp tuyên truyền và khuyến khích phân loại nhựa từ nguồn rác thải; hạn chế đồ nhựa dùng 1 lần; tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở kinh doanh, cửa hàng mua bán tại địa bàn sử dụng loại nhựa sinh học tự phân hủy; Xây dựng mô hình hưởng ứng thực hiện phong trào phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình như: Mô hình “Lò xử lý rác thải tại nhà”; “Giỏ rác tại hộ gia đình”; “Ve chai tình thương”; ....

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại các chi, tổ phụ nữ; phê bình đối với hành vi xả rác, xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp, sử dụng đồ nhựa đối với một số tạp hóa, buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn.

Võ Hà