Bến Tre: Nâng cao đời sống người dân nhờ việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:16, 20/02/2023
Tăng nhanh diện tích cây xanh
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Đảnh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Bến Tre đang tích cực triển khai các biện pháp giảm thiểu tác hại của biến BĐKH. Một trong những giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu các thảm họa thiên tai do BĐKH gây ra là tập trung trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó tỉnh đặc biệt chú trọng đến cây rừng ngập mặn ven biển.
Hiện tại, với diện tích quy hoạch hơn 8.800 ha rừng ngập mặn gồm bần, mắm, đước, phi lao tập trung tại 3 huyện biển là Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại đã tạo ra “bức tường xanh” dài trên 65km bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển; góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, nhận thức tầm quan trọng của việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, những năm qua, Bến Tre đã quan tâm triển khai nhiều dự án trồng cây xanh, trong đó có rừng ngập mặn tại các vùng ven biển với hàng trăm hec-ta rừng được trồng mới; đồng thời chăm sóc, bảo vệ gần 5.000 ha rừng hiện hữu và hơn 100.000 ha cây lâu năm, bao gồm dừa và cây ăn quả.
Đồng thời, tỉnh cũng đã và đang thực hiện mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn; trong đó, trồng 8,2 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và 1,8 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng trồng sản xuất. Về giải pháp, tỉnh sẽ thực hiện một cách đồng bộ quy hoạch trồng, phát triển cây xanh cùng với quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó xác định rõ quỹ đất dành cho cây xanh, để từ đó có biện pháp bảo vệ chống lấn chiếm.
Bến Tre là tỉnh có đường bờ biển dài, sông rạch chằng chịt, thường xuyên chịu tác động nặng nề của BĐKH. Với việc tăng nhanh diện tích trồng cây xanh trên địa bàn, sẽ góp phần quan trọng bảo vệ đê biển, đê sông, ứng phó BĐKH mà hệ thống “bức tường xanh” là những cánh rừng ngập mặn hiện hữu đã cải tạo môi trường sinh thái rất tốt.
Cùng với đó, dưới tán rừng còn làm tăng đáng kể hệ sinh thái ven bờ, là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, cá, sò huyết… đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người dân trên địa bàn, góp phần vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
Nâng cao đời sống người dân
Hiện nay, ngoài những rừng dừa kéo dài bất tận và những vườn cây trái sum suê tại các huyện, thành phố đầu nguồn của Bến Tre, khi chúng tôi đến các xã biển: Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức (huyện Bình Đại); Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri); Thạnh Hải, Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú)… vẫn là một màu xanh bạt ngàn của những dãy rừng ngập mặn xa mút tầm mắt.
Tại xã Thạnh Phước (Bình Đại), chúng tôi gặp chị Trịnh Thị Ngọc Hiện là chủ địa điểm du lịch sinh thái có tên gọi “Người giữ rừng”. Chị Hiện được biết đến là người đã góp công xây dựng và lan tỏa mô hình du lịch sinh thái, khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng, tái tạo tài nguyên để hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Chị Ngọc Hiện cho biết: “Bến Tre là vùng đất chịu nhiều thiệt hại vì thiên tai và BĐKH. Những năm qua, để góp phần giữ rừng, tôi cùng nhiều hộ dân địa phương tổ chức trồng cây gây rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Chúng tôi đã trồng mới được hơn 10 ha rừng ngập mặn ven bờ và tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục trồng mới dự kiến lên đến khoảng 15 – 10 ha rừng ngập mặn”.
Theo chị Ngọc Hiện, tận dụng dưới tán rừng ngập mặn ven biển, chị cùng hàng trăm nông dân nơi đây nuôi và cung cấp những đặc sản biển sạch. Hiện giờ, mỗi tháng cơ sở của chị cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thủy sản sạch với doanh thu hàng trăm triệu đồng. Với khát khao của người khởi nghiệp trẻ, chị cho biết tiếp tục tìm cách đa dạng hóa nguồn thu cho người giữ rừng, giúp người dân ổn định đời sống kinh tế ngày được tốt hơn.
Còn tại xã Bảo Thuận (Ba Tri), một trong những địa phương làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, ông Lâm Văn Đồng cho hay, trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, từ khi nhận giao khoán hơn 2ha rừng ngập mặn, ngoài tiền công nhận chăm sóc, bảo vệ rừng, hàng tháng gia đình còn thu nhập hơn chục triệu đồng từ việc nuôi thủy sản dưới tán rừng như cua, tôm, cá, sò. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông ngày càng được nâng lên, đã có “của ăn của để”.
Cũng giống như ông Đồng, nhiều người dân tại vùng ven biển Bến Tre đều chung cảm nhận, chính việc nhận giao khoán rừng đã giúp người dân nghèo được “đổi đời”, nhờ có hệ thống rừng ngập mặn mà đời sống của người dân địa phương được cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ khá giả nhờ phát triển kinh tế kết hợp từ việc nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng. Từ đó, họ gắn chặt với rừng để phát triển, rừng cũng được người dân ngày càng chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam chia sẻ, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy, nâng cao giá trị về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế với các ngành nông – lâm - ngư nghiệp từ lợi ích của những cánh rừng hiện hữu, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng và bảo vệ cây xanh.
Từ đó, các ngành, địa phương và người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh, từng bước nhân rộng cây trồng để góp sức tạo nên “bức tường xanh” vững chãi, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống người dân trước những tác động của thiên tai, BĐKH, cũng như tạo cảnh quan môi trường, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.