Bắc Kạn: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 11:11, 20/02/2023
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, những năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn cũng đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... đã tạo điều kiện trực tiếp cho các đồng bào DTTS vươn lên, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển vùng dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn. Một số chính sách không đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ; kinh tế - xã hội trong vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển và chưa đồng đều; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; một số người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Mặc dù tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, song do quỹ đất hạn chế nên hiện nay tình trạng hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn nhiều. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã triển khai rà soát có 290 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất ở, 745 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất để làm cơ sở hỗ trợ cho đồng bào…
Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025. Đến nay có 8/8 huyện, thành phố thành lập BCĐ Chương trình và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đơn vị. Tại cấp xã thành lập BCĐ, Ban Quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong năm 2022, tỉnh đầu tư hơn 495 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng DTTS. Cụ thể, tập trung vào mở các tuyến đường lâm nghiệp; xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi; đồng thời làm tốt công tác định canh, định cư; quy hoạch, sắp xếp khu dân cư hợp lý để người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, phát triển giáo dục, đào tạo việc làm, y tế, văn hóa; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo vệ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS…
Để giúp người dân thực sự thoát nghèo bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo; tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là đối với các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Trong số các mô hình giảm nghèo, có thể kể đến Tập thể Hợp tác xã Giáo Hiệu (thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm) đã tích cực vận động các thành viên trong hợp tác xã, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số tại vùng khó khăn tham gia liên kết sản xuất mới mô hình trồng nông sản. Hợp tác xã đã hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu mua 100% sản lượng nông sản cho 42 hộ nghèo và cận nghèo tham gia mô hình. Cuối năm 2022, qua rà soát đã có 14 hộ thoát nghèo và cận nghèo.
Hay như mô hình hộ gia đình Hứa Văn Tuấn (thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông). Từ năm 2014, được sự hỗ trợ của thôn, địa phương, gia đình mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để trồng rừng, từ nguồn vốn trên gia đình đầu tư mua cây giống và trồng được 0,9 héc-ta cây mỡ đồng thời trồng các loại cây lương thực, thực phẩm rau màu khác từng bước vươn lên đảm bảo cuộc sống. Cuối năm 2021 đầu năm 2022 gia đình đã được khai thác mỡ rừng trồng và mạnh dạn đầu tư dàn máy xẻ gỗ với tổng số tiền đầu tư 150 triệu đồng. Mức thu nhập trung bình của gia đình trong năm 2022 đạt 100 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân công. Năm 2022 gia đình đã được công nhận thoát nghèo bền vững.
Tại Hội nghị biểu dương trong thực hiện công tác giảm nghèo do UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức vào cuối năm 2022 ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị các cấp uỷ, cơ quan và đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người nghèo.
Đồng thời, đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Đề nghị, các hộ nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của chính mình, của tương lai con cháu mình.
Cuối cùng là đổi mới, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông của tỉnh tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt cuộc vận động “Vì người nghèo”, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, vận động, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, tạo nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo…