Hậu Giang: Trồng cây xanh thích ứng với BĐKH giúp giảm nghèo bền vững

Xã hội - Ngày đăng : 16:30, 16/02/2023

(TN&MT) - Việc triển khai các hoạt động trồng cây xanh phân tán và tập trung để vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân Hậu Giang.

Cải thiện thu nhập gia đình

Thời gian qua, người dân tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh trồng tràm bông vàng, tràm úc,... trên diện tích đất vườn tạp, đất hoang, đất sản xuất nông nghiệp kém năng xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, cải thiện thu nhập cho gia đình.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho thấy, trong năm 2022 người dân ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, TX. Long Mỹ,... đã trồng hơn 1.623.400 cây tràm bông vàng, tràm úc trên diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả. Thông qua hình thức chuyển đổi cây trồng này đã giúp cho cuộc sống của người dân nâng cao; góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Gia đình ông Nguyễn Hoàng Như (ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) đã thử nghiệm trồng cây tràm bông vàng trên hơn 01 công đất nông nghiệp kém hiệu quả. Sau một thời gian trồng, ông Như nhận thấy, cây tràm thích nghi tốt với vùng đất nhiễm phèn và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Với những kết quả kinh tế mang lại từ trồng tràm bông vàng mang lại, ông Như cũng đã mạnh dạn phát triển cây tràm trên toàn bộ diện tích 1,6ha đất của gia đình.

“Việc chuyển đổi diện tích đất vườn tạp sang trồng cây tràm bông vàng không chỉ giúp gia đình tôi tận dụng hết tài nguyên đất đai, giảm công sức, chi phí chăm sóc mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác, góp phần giúp cho cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn” - ông Như phấn khởi nói.

1(2).jpg

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang phấn đấu trồng 1.480.000 cây lâm nghiệp phân tán, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống cho người dân

Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi trồng tràm bông vàng, tràm úc trên diện tích đất nhiễm phèn, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, nhiều hộ dân tỉnh Hậu Giang còn tích cực trồng các loại cây xanh như: tre, trúc, bạch đàn, hoàng yến,,... dọc theo các tuyến đường, bờ kênh rạch hoặc trồng xoài, nhãn xung quanh nơi ở để vừa làm cho môi trường xanh mát, hạn chế sạt lở đất và vừa nâng cao thu nhập cho gia đình.

Tại ấp Long Sơn, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, khoảng 02 năm nay, cuộc sống gia đình ông Hà Văn Tư đỡ vất vã hơn trước nhờ nguồn thu từ việc bán tre, trúc, bạch đàn trồng xung quanh nhà. “Bình quân mỗi năm, số tiền tôi bán tre, trúc, bạch đàn cũng được khoảng 4 triệu đồng. Tuy số tiền này không lớn, nhưng cũng góp phần chi trả chi phí điện, nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình” - ông Tư chia sẻ.

Ông Tư cho rằng, việc trồng tre, trúc, bạch đàn…xung quanh nhà ở không chỉ làm môi trường sống trong lành, đồng thời cải thiện thu nhập cho gia đình, mà còn là giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở đất bờ kênh, giảm thiểu thiệt hại về đất đai, hoa màu, nhà cửa.

Tiếp tục hỗ trợ người dân

Theo Kế hoạch năm 2023, tỉnh Hậu Giang sẽ phấn đấu trồng mới khoảng 40 ha rừng đặc dụng, rừng sản xuất; đồng thời, trồng 1.480.000 cây lâm nghiệp phân tán nhằm góp phần hạn chế xói mòn đất trên các tuyến sông, kênh rạch, tạo cảnh quan môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Để hoàn thành mục tiêu này, từ đầu năm 2023, tỉnh Hậu Giang đã tăng cường triển khai các hoạt động trồng cây xanh dọc theo tuyến đường giao thông, công viên, khu dân cư...; đồng thời, tích cực hỗ trợ người dân hàng chục ngàn cây giống để trồng trên diện tích đất vườn tạp, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.

Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí hơn 1 tỉ đồng để mua khoảng 1,4 triệu cây tràm giống hỗ trợ 1.000 hộ dân trồng ở địa bàn các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy. Thông qua việc hỗ trợ cây giống cho các hộ dân trồng sẽ giúp cho mật độ cây xanh trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng; đồng thời các hộ dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất vườn tạp, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

2(1).jpg

Hoạt động trồng cây để cải thiện môi trường xanh - sạch - đẹp nhận được sự tham gia tích cực từ các cấp, các ngành, người dân tỉnh Hậu Giang

Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ở các xã giáp ranh tham gia công tác trồng và bảo vệ rừng, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ dân, đặc biệt là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo có việc làm, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: Khu Bảo tồn vừa mới thành lập 11 Tổ tự quản bảo vệ rừng với khoảng 100 thành viên, trong đó đa phần là người có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định. Để giúp các thành viên Tổ tự quản bảo vệ rừng yên tâm công tác, hàng tháng, Khu Bảo tồn đều hỗ trợ một khoản tiền nhất định; đồng thời, tạo điều kiện cho họ tham gia thu hoạch mật ong tại một số phân khu để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Hàng năm, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn dành một phần kinh phí và vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ cặp, sách con em các thành viên Tổ tự quản bảo vệ rừng để họ yên tâm cho các cháu đến trường. Đồng thời, Khu Bảo tồn thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho các ấp giáp ranh có nhiều đóng góp trong công tác trồng và bảo vệ rừng xây dựng và sửa chữa cầu, đường, tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, mua bán hàng hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần của người dân địa phương hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Lê Hùng