Ủy ban Dân tộc phối hợp thúc đẩy thực hiện tín dụng chính sách xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Xã hội - Ngày đăng : 15:17, 16/02/2023

(TN&MT) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội
cac-dong-chi-lanh-dao-dong-chu-tri-hoi-nghi.jpg
Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị trực tuyến ngày 15/2 nhằm  giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã khẳng định vai trò của tín dụng CSXH đối với đời sống của người dân, nhất là các hộ khó khăn, đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời thông tin một số giải pháp cụ thể nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân...

Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội CSXH Dương Quyết Thắng; Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; cùng đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố và các sở, ban ngành trực thuộc.

bo-truong-chu-nhiem-ubdt-hau-a-lenh-phat-bieu-tai-hoi-nghi.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, tín dụng CSXH đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị các bộ, ban, ngành chức năng của Trung ương, các tỉnh, thành phố cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng CSXH để tạo điều kiện cho Ngân hàng triển khai thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, gồm: Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức và cơ chế đầu tư hỗ trợ các dự án, chính sách trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, để bảo đảm hành lang pháp lý phối hợp đồng bộ các nguồn vốn thực hiện Chương trình.

cac-dai-bieu-tham-du-tai-diem-cau-ha-noi..jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Chỉ đạo các cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành và Ngân hàng CSXH tại địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành quy trình rà soát, lập và phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách; kịp thời báo cáo, tham mưu tháo gỡ khó khăn tại cơ sở.

Nghiên cứu, đề xuất các hoạt động thu hút, huy động nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng để phổ biến, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG DTTS và miền núi.

Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác bám sát các kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi; tổng hợp, theo dõi tiến độ triển khai và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương và địa phương với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội.

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào DTTS miền núi để báo cáo với Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng có một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét giải quyết một số nội dung như: Xem xét giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2023 và sớm phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu Ngân hàng CSXH được Chính phủ bảo lãnh năm 2023 để bảo đảm hỗ trợ cho Ngân hàng CSXH huy động đủ nguồn vốn thực hiện cho vay.

Các bộ, ngành chủ quản các chính sách nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia sớm xem xét, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình nhằm tạo điều kiện cho địa phương dễ hiểu, dễ thực hiện.

Đối với dự án dược liệu quý, đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương có vùng trồng dược liệu quý tập trung triển khai, lựa chọn, ban hành nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất của địa phương theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và kịp thời tháo gỡ khó khăn để triển khai, thực hiện tại các vùng trồng dược liệu.

Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương: Tiếp tục, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW.

Kịp thời rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo từng nhóm đề án, tiểu dự án, dự án làm cơ sở để Ngân hàng CSXH kịp thời cho vay.

Sớm ban hành bộ thủ tục, hồ sơ thực hiện cho vay đối với dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và dược liệu quý; chủ động tháo gỡ những khó khăn theo thẩm quyền để Ngân hàng CSXH có cơ sở triển khai thực hiện cho vay đúng quy định.

Các địa phương nằm trong địa bàn thực hiện chính sách tín dụng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định 28 cần sớm xác định, xây dựng kế hoạch và tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng của các đối tượng thụ hưởng chính sách đối với các dự án làm cơ sở để Ngân hàng CSXH xây dựng kế hoạch tín dụng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn và thực hiện cho vay theo Nghị định 28 và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Việt Hải