Đô thị trước mối nguy biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:40, 16/02/2023
Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa tại các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL diễn ra khá nhanh đã góp phần nâng cao vị thế vùng nói chung và từng đô thị nói riêng, tạo nền tảng quan trọng giúp các địa phương trong vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thành phần dân cư, đồng thời, đặt ra yêu cầu thích ứng BĐKH để đảm bảo các yếu tố cho một đô thị bền vững, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững toàn khu vực.
Những dịch chuyển theo gam màu sáng
Với vai trò là trung tâm khu vực ĐBSCL, TP. Cần Thơ đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, công nghiệp, thương mại, dịch vụ,… góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.
Từ định hướng quy hoạch mở rộng không gian đô thị để xứng tầm là đô thị trung tâm của khu vực ĐBSCL, hiện TP. Cần Thơ đã đưa vào danh mục mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, logistic, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng du lịch,... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
TP. Cần Thơ cũng đang kêu gọi các tập đoàn đầu tư các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị. Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài việc tập trung đầu tư chỉnh trang đô thị trung tâm các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, TP. Cần Thơ còn đầu tư 17 dự án khu đô thị tại các quận, huyện vùng ven: Thốt Nốt, Ô Môn, Phong Điền, Thới Lai…
Còn tại Hậu Giang, địa phương cũng đang tập trung phát triển nhanh các đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, giúp người dân thụ hưởng các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn. Đơn cử như tỉnh Hậu Giang, tại thời điểm tái lập tỉnh (năm 2004), địa phương này mới có 9 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất so với cả nước. Tuy nhiên, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Hậu Giang đã có 18 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa 29%.
Theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, địa phương sẽ có tổng cộng 19 đô thị; đồng thời, mở rộng không gian cho các đô thị; cơ sở hạ tầng giao thông, cấp thoát nước,… sẽ được đầu tư hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư vào 31 dự án về lĩnh vực đô thị với quy mô lên đến gần 800ha. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã phê duyệt danh mục lập quy hoạch 90 dự án phát triển nhà ở với quy mô lên đến hơn 2.077ha”.
Mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đề ra yêu cầu: Hệ thống đô thị được phân bổ hợp lý và phát triển bền vững. Hệ thống giao thông được phát triển đồng bộ, kết nối nội vùng, liên vùng. Hạ tầng thủy lợi, thông tin và truyền thông, cấp điện, cấp, thoát nước được xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thích ứng với BĐKH và bảo đảm an toàn trước thiên tai…
Hiện các đô thị thuộc khu vực ĐBSCL đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để triển khai xây dựng các công trình, dự án về giao thông, ao hồ, kênh rạch, cấp thoát nước,… nhằm chỉnh trang đô thị, ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, với những tác động của BĐKH và các hoạt động của con người đã làm cho ngập lụt, nhiệt độ, ô nhiễm môi trường gia tăng, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các đô thị.
Chia sẻ với phóng viên, Ths. Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt ở các đô thị khu vực ĐBSCL, trong đó có 3 nguyên nhân chính: BĐKH, nước biển dâng, sụt lún tích lũy nhiều năm và việc đắp đập để sản xuất lúa vụ 3 đã không còn không gian chứa nước dẫn đến mực nước dâng cao dù đỉnh triều không cao hơn trung bình nhiều năm.
Nâng cao năng lực ứng phó là yêu cầu bắt buộc
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, thời gian tới, để nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển các đô thị bền vững, các cấp chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL cần phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thích ứng, trong đó, tập trung thực hiện Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021.
Hiện nay, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế trong việc xây dựng đề án chống ngập cho đô thị thích ứng với điều kiện BĐKH, các địa phương khu vực ĐBSCL như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cũng đang chủ động triển khai thực hiện các giải pháp quy hoạch phát triển không gian các đô thị; giữ gìn, cải tạo lại hệ thống hồ, kênh rạch phục vụ tiêu thoát nước, điều hòa không khí, cải thiện môi trường.
Đồng thời, từng địa phương đã cụ thể hóa các nội dung Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ môi trường, phòng chống, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển đô thị theo hướng bền vững dưới tác động của triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn.
Tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung xây dựng các chương trình, dự án trọng tâm của từng ngành để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát, quan trắc chất lượng môi trường, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị phục vụ mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bền vững cho các đô thị như TP. Sóc Trăng, TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm, thị trấn Trần Đề.
Tại TP. Cần Thơ, ông Phạm Nam Huân - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, ngoài việc tập trung đầu tư mở rộng không gian cho các đô thị, xây dựng các công trình, dự án, hệ thống quan trắc tự động liên tục; TP. Cần Thơ còn phê duyệt, công bố danh mục các hồ, kênh rạch trên địa bàn thành phố không được san lấp. Các giải pháp này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho các đô thị trên địa bàn thành phố thời gian tới.
Còn tại Hậu Giang, hiện tỉnh đang tập trung quy hoạch mở rộng các đô thị TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy, TX. Long Mỹ; đồng thời, triển khai các hợp phần của dự án phát triển đô thị xanh thích ứng với BĐKH. Theo UBND TP. Ngã Bảy, Dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với BĐKH tại TP. Ngã Bảy có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, gồm các hợp phần giảm thiểu rủi ro ngập úng; cải thiện quản lý nước thải và vệ sinh môi trường; cải tạo nâng cấp đô thị và phát triển không gian công cộng; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo rủi ro thiên tai và quản lý đất đai.
Lãnh đạo UBND TP. Ngã Bảy kỳ vọng, sau khi thực hiện hoàn thành các hợp phần của Dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với BĐKH sẽ giúp cho TP. Ngã Bảy ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của BĐKH; đồng thời, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
---------------------------------------------------------------------
Ý KIẾN
Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre:
Cần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa
Thời gian qua, quy hoạch sử dụng đất, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện tại, Bến Tre đang tập trung phát triển các đô thị động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Bến Tre còn tổ chức đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành trong tương lai; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao do BĐKH; tính toán khả năng thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ BĐKH, nhất là tại các vùng ven sông, ven biển.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa; tập trung triển khai lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; tiếp tục triển khai phát triển đô thị theo Nghị quyết Tỉnh ủy; tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, nhất là về thủ tục, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị khu vực trung tâm.
---------------------------------------------------------------------
Ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An:
Phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững là tất yếu
Với nhiều công trình được đầu tư xây dựng kết nối giao thông, phát triển hạ tầng đô thị, diện mạo các đô thị Long An đã thay đổi rõ nét theo hướng xanh, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Từ nay đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn Long An sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh; kết cấu hạ tầng của đô thị thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị.
Trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu về diện tích đất để phát triển các loại hình nhà ở trên địa bàn tỉnh khoảng 40.000ha. Hiện nay, Long An đang tập trung đẩy mạnh việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng xanh, bền vững, đô thị thông minh có tính liên kết với tổng thể chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
---------------------------------------------------------------------
PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Cần Thơ:
Phải nhận diện đầy đủ nguy cơ BĐKH để thích ứng hiệu quả
Để các đô thị vùng ĐBSCL phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị chức năng là phải nhận diện đầy đủ các nguy cơ từ BĐKH ảnh hưởng đến phát triển đô thị.
Sau khi đã nhận diện đầy đủ các nguy cơ ảnh hưởng đến đô thị, các địa phương sẽ đưa ra những giải pháp để thích ứng hiệu quả. Cụ thể, khi nhiệt độ các đô thị tăng, các địa phương tăng diện tích công viên, mật độ cây xanh, hồ chứa nước, bảo vệ và phát triển hệ thống kênh rạch nội thị. Chính quyền các địa phương cũng cần tính đến việc xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm kéo giảm dân cư tại đô thị khu vực trung tâm.
Về nhà ở, tại các đô thị, chính quyền địa phương cần khuyến khích tổ chức, cá nhân trồng cây xanh trên các tòa nhà cao tầng; đồng thời, hạn chế xây dựng các công trình nhà ở gần sông, kênh rạch, nơi có nhiều phương tiện tàu thuyền qua lại, nền đất yếu. Người dân sinh sống ở đô thị ven sông cần tính toán thêm phương án làm nhà kết hợp một số loại cây trồng lâu năm vừa để cản gió, giữ đất, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.