Thúc đẩy thương mại điện tử ở vùng dân tộc thiểu số

Kinh tế - Ngày đăng : 16:33, 26/07/2019

(TN&MT) - 450 phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Bắc Kạn và Đắc Nông có thể tự mở rộng kinh doanh sản xuất và thoát nghèo thông qua các ứng dụng công nghệ 4.0, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Đây là mục tiêu của chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ DTTS thông qua ứng dụng công nghệ 4.0”, do UNDP phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn vừa chính thức khởi động.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ

Tại sự kiện, 46 nhóm phụ nữ DTTS tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã được gặp gỡ, kết nối với đại diện các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và doanh nghiệp nhằm nắm bắt các cơ hội ứng dụng công nghệ trong việc kinh doanh sản xuất và thoát nghèo.

t6.jpg

Theo đó, các đơn vị, hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường và các chuỗi giá trị dựa trên các nền tảng thương mại điện tử; các giải pháp tài chính hiện đại như ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, bảo hiểm vi mô; truyền thông đa phương tiện và các nền tảng điện tử khác như học tập trực tuyến, đào tạo kĩ năng, đào tạo khởi nghiệp và cập nhật thông tin liên quan để phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Quá trình sản xuất có thể áp dụng các công nghệ mới như nông nghiệp thông minh, nền tảng blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dữ liệu được thu thập trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như phản hồi của người dân theo thời gian thực sẽ giúp điều chỉnh và định hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, phục vụ công tác quản lý của các nhà hoạch định chính sách.

Theo ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được kỳ vọng sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, người DTTS chiếm tới 95% các hộ nghèo đa chiều của tỉnh. Sinh kế chủ yếu là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp, thường chịu ảnh hưởng của thiên tai. Việc tiếp cận thị trường, nguồn lực tài chính và các giải pháp tài chính hiện đại, cũng như công nghệ mới rất hạn chế. Bởi vậy, khi kết nối được các đối tác tiềm năng để hỗ trợ các tổ nhóm, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường, điều này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tạo việc làm, đem lại thu nhập cho người nghèo – ông Hưng nhấn mạnh.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Theo bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, với 6 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần giải quyết tình trạng nghèo “thâm căn cố đế”, tập trung chủ yếu ở nhóm DTTS sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn và cần sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.

t7.jpg

Cũng nhân dịp này, UNDP và Viettel Post cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Khung hợp tác hỗ trợ nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở Việt Nam. Trong nội dung tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa nhóm phụ nữ DTTS với các doanh nghiệp, hai bên sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ nhóm/doanh nghiệp/hợp tác xã trong quá trình tìm kiếm và thí điểm các giải pháp tốt nhất có sẵn ở địa phương để phát triển kinh doanh (cả về quy mô, tính đa dạng, năng suất, giá trị gia tăng và hiệu quả), nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo đa chiều ở địa phương trong những lĩnh vực được ưu tiên.

Một số giải pháp có thể phát triển hiện nay là sàn thương mại điện tử (VOSO), công cụ thanh toán điện tử (Viettel Pay), dịch vụ bưu điện/vận chuyển cho các doanh nghiệp, phụ nữ và nam giới (MyGo); xác nhận xuất xứ hàng hóa của các nhóm/HTX/doanh nghiệp được hỗ trợ trong khuôn khổ các chương trình/dự án của UNDP và hỗ trợ việc phân phối các sản phẩm địa phương thông qua các kênh thương mại điện tử; tập huấn về cách sử dụng những công cụ và dịch vụ này, cũng như năng lực quản lý tài chính…

Khánh Ly