Thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:00, 15/02/2023
PV: Ông đánh giá như thế nào về những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với BĐKH của các địa phương vùng ĐBSCL trong thời gian qua?
PGS. TS. Lê Anh Tuấn:
Trong thời gian gần đây, trước áp lực từ BĐKH, các địa phương vùng ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng thuận thiên theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Cụ thể, các kế hoạch hành động của các địa phương đều nhắc tới nội dung thích ứng với BĐKH; đồng thời, tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất để thích ứng với BĐKH.
Riêng đối với vùng giữa như TP. Cần Thơ, Hậu Giang thì tập trung quy hoạch những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn vừa để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người nông dân, vừa thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh đó, xâm nhập mặn gia tăng cũng đã thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền thay đổi chính sách, quản lý về tài nguyên, cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Cụ thể, trước đây, các địa phương xây dựng những công trình ngăn mặn, trữ ngọt, đưa nước ngọt về vùng mặn phục vụ sản xuất thì bây giờ các địa phương thấy không cần thiết nữa nên đã đẩy mạnh phân vùng sản dựa vào nguồn tài nguyên nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Hiện nay, một số vùng chuyên trồng lúa cũng đã chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, các địa phương vùng ĐBSCL còn mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với diện tích đất không còn phù hợp với cây lúa để chuyển sang trồng cây màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, an toàn sinh học, đặc biệt áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Hiện, nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng đang đẩy mạnh sản xuất xanh, hữu cơ thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường.
PV: Nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH, ông đánh giá như thế nào về sự thích ứng của họ trước những tác động của hạn hán, xâm nhập mặn?
PGS. TS. Lê Anh Tuấn:
Cùng với những thay đổi về chính sách phát triển nông nghiệp, quản lý, khai thác tài nguyên nước, đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, người nông dân vùng ĐBSCL cũng đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với xâm nhập mặn bằng việc chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Vào mùa khô thay vì tìm nguồn nước ngọt để trồng lúa thì nay người dân chuyển qua nuôi tôm để thích ứng với nguồn nước mặn, ngọt. Không chỉ thế, tại vùng ven biển, nhiều diện tích đất lúa thường xuyên ngập mặn, người dân đã linh động chuyển qua trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua dưới tán rừng.
Nông dân là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố cực đoan của BĐKH, nên họ rất nhạy cảm trong sản xuất nông nghiệp vì BĐKH liên quan trực tiếp đến sinh kế, cuộc sống hàng ngày. Nông dân vùng ĐBSCL có rất nhiều sáng tạo trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng thuận thiên.
Người nông dân bây giờ rất linh hoạt đa canh cây trồng, vật nuôi, không phụ thuộc vào bất kỳ loại nông sản nào để hạn chế rủi ro khi cái này thất bại còn có cái khác bù vào, qua đó giúp cho người nông dân phát triển bền vững.
Một điểm đáng lưu ý nữa là, cũng vì những tác động từ BĐKH đã thúc đẩy người nông dân vùng ĐBSCL áp dụng nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh sơ chế sản phẩm nông sản, trái cây cung ứng cho thị trường thay vì bán sản phẩm thô. Đơn cử trước đây, mít chín người dân thường bán nguyên trái nhưng nay họ lại tập trung sơ chế làm ra các sản phẩm như mít sấy, thịt làm bằng mít non.… Với những thay đổi này của người dân không chỉ làm tăng giá trị nông sản, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại vùng ĐBSCL.
PV: Theo ông, để thích ứng với BĐKH, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương cần triển khai các giải pháp hữu hiệu nào trong thời gian tới?
PGS. TS. Lê Anh Tuấn:
Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL bền vững theo hướng thuận thiên, các bộ, ngành, địa phương triển khai quy hoạch tích hợp ngành, lĩnh vực trong điều kiện BĐKH. Đồng thời, các địa phương linh hoạt trong việc đưa ra các quyết định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nên các chủ trương, chính sách, quy hoạch sản xuất của cơ quan Nhà nước cũng cần phải triển khai kịp thời để người dân sớm tiếp cận với các thông tin này nhằm chủ động chuyển đổi cây trồng, đưa các cây con phù hợp vào sản xuất.
Cùng với đó, các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước trong canh tác cây màu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và thuận thiên trong canh tác nông nghiệp tại vùng ĐBSCL; đồng thời, các địa phương thường xuyên củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các khoa học để tìm ra những biện pháp thích nghi hợp lý cho cộng đồng trước tác động của BĐKH; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết với nhau để triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, đảm bảo mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL ngày càng bền vững.
Đối với người dân vùng ĐBSCL thì tiếp tục chủ động, linh hoạt nương theo điều kiện tự nhiên để trồng trọt, sản xuất với nhiều cây, con khác nhau; đồng thời, người dân cũng nên nghiên cứu chuyển đổi từ từ cây trồng để phòng ngừa tình huống loại cây trồng này kém năng xuất thì có loại cây khác bù đắp vào để bảo đảm nguồn thu, ổn định đời sống.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!