Quảng Ngãi: Thông tin về dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19 trước những lo ngại về môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 08:47, 15/02/2023

(TN&MT) - Chiều ngày 14/2, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo về các nội dung liên quan đến Nhà máy Bột-Giấy VNT19.

Nhà máy Bột- Giấy VNT19 (đặt tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có công suất thiết kế 350.000 tấn bột giấy/năm (giai đoạn 1) nguyên liệu sản xuất chính là gỗ keo, tiêu thụ tương đương 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm và bằng khoảng 55-60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất.

botgiay2.jpg
Họp báo thông tin về dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19

Nhà máy được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2011. Từ đó đến nay, khối lượng, tiến độ triển khai dự án chỉ đạt 75%, dự án kéo dài nhiều năm do chưa được sự đồng thuận của người dân. Đến tháng 1/2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất ra quyết định về chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó điều chỉnh tiến độ Dự án dự kiến đưa công trình đi vào hoạt động cuối Quý IV/2024.

botgiay.jpg
Lãnh đạo Sở TN&MT trả lời câu hỏi của báo chí về Nhà máy Bột - Giấy VNT 19.

Trong dự án này có phần thi công đường ống ngầm xả thải ra biển vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là việc người dân địa phương và dư luận rất quan tâm về xử lý môi trường khi đặt đường ống xả thải ra biển.

Hiện nay, chủ đầu tư không thể triển khai các công tác xây dựng do chưa thể thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thuê giao đất và xin cấp phép xây dựng tuyến đường ống xả thải do chưa đạt sự đồng thuận từ người dân.

Tại buổi họp báo, các phóng viên, nhà báo đặt nhiều câu hỏi với ngành chức năng về dự án, nhất là nước thải và những ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của người dân khi nhà máy đi vào hoạt động.

botgiay3.jpg
Người dân xã Bình Trị phản đối không cho xả thải ra vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị) vì sợ ảnh hưởng môi trường

Theo Phó Giám đốc Sở TN& MT Quảng Ngãi Nguyễn Quốc Tân, dự án Nhà máy Bột -Giấy VNT19 đã trải qua thời gian dài triển khai. Dưới áp lực của dư luận và quy định của pháp luật, chủ đầu tư đổi sang công nghệ, thiết bị của châu Âu để xử lý nước thải và thực hiện các yêu cầu của các chuyên gia, nhà khoa học sau khi tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án.

botgiay4.jpg
Dư luận rất quan tâm về xử lý môi trường khi đặt đường ống xả thải của nhà máy ra biển vinh Việt Thanh

Ông Tân cũng thông tin, tại Quảng Ngãi, cùng với thép Hòa Phát – Dung Quất và nhà máy lọc dầu, dự án Nhà máy Bột- Giấy VNT19 thuộc diện giám sát đặc biệt của Bộ TN&MT. Do vậy, hoạt động của công ty sẽ được giám sát liên tục, lấy mẫu liên tục, nhiều chuyên gia đi cùng để thực hiện việc này.Ngoài ra, các thông số về nước thải cũng được công khai để cộng đồng dân cư giám sát, theo dõi.

"Nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại 2 điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp và liên tục 24/7 về Sở TN&MT và Bộ TN&MT, ông Tân cho hay.

Đối với ý kiến về việc người dân phản đối không cho xả thải ra vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị) vì sợ ảnh hưởng môi trường, tác động tiêu cực đến sinh kế của ngư dân trong vùng, ông Tân cho rằng những lo ngại này hoàn toàn có lý.

“Người dân yêu cầu chính quyền cần có cam kết nếu xảy ra sự cố về môi trường. Tuy nhiên, với cơ quan quản lý, lãnh đạo các sở, ngành, khi ký các quyết định chính là phải chịu trách nhiệm với các vấn đề có liên quan. Quảng Ngãi nhất quyết không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế. Với những dữ liệu hiện có, đủ tin tưởng để hỗ trợ dự án tiếp tục thực hiện và hoàn thành, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh”, ông Tân nói.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi còn cho rằng, dự án VTN19 là dự án có mức đầu tư rất lớn, nhà đầu tư phải có tính toán kỹ và tuân thủ các quy định. Đồng thời, doanh nghiệp phải xây dựng phương án xử lý sự cố môi trường và trình Bộ TN&MT phê duyệt.

Đối với cộng đồng, Công ty cam kết hỗ trợ, chuyển đổi nghề, bố trí việc làm phù hợp cho người dân có nhu cầu, nhất là người lao động ở các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án, đồng thời chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội.

 Đến thời điểm hiện tại, khối lượng dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 đạt khoảng 75%, trong đó công tác đền bù giải phóng mặt bằng đạt 95%, xây lắp đạt 70%, thiết kế đạt 95%, mua sắm đạt 75%, bảo dưỡng sửa chữa đạt 80%. Tiến độ điều chỉnh dự kiến đưa vào hoạt động cuối quý IV/2024.

Hà Anh