Bức tranh nông thôn mới nhiều màu sáng
Thời sự - Ngày đăng : 17:25, 26/10/2019
Về đích sớm 2 năm so với kế hoạch
Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm Chương MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, kết quả sáng rõ nhất là đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 84,86%, miền núi phía Bắc đạt 28,6%, đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng kể, có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được kết quả đó là nhờ sự chung sức, chung lòng của Chính phủ và nhân dân cả nước, thể hiện rõ nhất ở việc huy động nguồn lực cho Chương trình. Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội vùng nông thôn.
Với sự đầu tư đó, bộ mặt nông thôn đã thay đổi toàn diện. GDP của ngành nông nghiệp tăng trên 3% - một tỷ lệ cao của ngành nông nghiệp trên toàn thế giới. Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản xuất khẩu với nhiều mặt hàng trên 1 tỷ USD/năm. Tất cả tạo nên một nền nông nghiệp đặc thù, đứng nhóm đầu Châu Á về xuất khẩu.
Đời sống ở nông thôn khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) giảm từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) giảm xuống 7,03% năm 2018 (theo tiêu chí nghèo đa chiều) và đến nay chỉ còn khoảng 4,8%.
Trước thành tựu này, Thủ tướng đánh giá, Chương trình MTQG xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống được cải thiện rõ nét, ngành nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn.
Tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025
Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến 2025 có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu, phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo. Chính phủ đã trình Quốc hội để ban hành một chương trình về dân tộc miền núi, để ghép 18 chương trình nhỏ lẻ lại thành một chương trình về dân tộc miền núi, một chương trình quốc gia lớn hơn.