Tuyên Hóa (Quảng Bình): Triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 17:24, 14/02/2023
Diện mạo nông thôn khởi sắc, chất lượng cuộc sống tăng lên
Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên 112.869,39 ha; toàn huyện có 18 xã, 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn và 3 xã, thị trấn có thôn đặc biệt khó khăn. Huyện có tổng số 24.525 hộ, dân số trên 91.353 người; dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với gần 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tuyên Hoá có địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn sông suối, núi đá vôi; có nền khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi, tuy nhiên với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh hàng năm đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng được tăng cường, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được tăng lên. Mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hoá Lương Công Đức cho biết, huyện rất chú trọng vấn đề tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Trong năm 2022, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện hỗ trợ cho vay ưu đãi 428 hộ nghèo với doanh số cho vay là 26 tỷ đồng; cho vay ưu đãi hộ cận nghèo 546 hộ với doanh số cho vay là 32 tỷ đồng; cho vay ưu đãi hộ mới thoát nghèo 894 hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay là 38,6 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm với 378 lao động với 28,1 tỷ đồng… Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi mà trong những năm qua, đa số người nghèo được có vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, là yếu tố quan trọng mang lại kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững trong nhân dân.
Về nhà ở, trong năm 2022, đã có 9 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở từ các nguồn hỗ trợ, cụ thể: 1 nhà từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh (35 triệu đồng/nhà); 2 nhà từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh (70 triệu đồng/nhà); 2 nhà từ nguồn hỗ trợ của khối Đảng ủy, khối cơ quan tỉnh (50 triệu đồng/nhà); 2 nhà từ nguồn hỗ trợ của Lữ đoàn 134 (80 triệu đồng/nhà); 2 nhà từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Quảng Bình (50 triệu đồng/nhà).
Theo ông Lương Công Đức, chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ và người dân. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu, thói quen sản xuất cũ đã được thay đổi; người nghèo đã có nhà ở, không còn hộ thiếu đói; các dịch vụ y tế, giáo dục, tạo việc làm, tăng thu nhập đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Chương trình giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp dân cư, đặc biệt là người nghèo, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo tại Tuyên Hoá còn gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định. Đó là thành quả giảm nghèo đáng kể nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn còn, đời sống nhân dân đại đa số vẫn còn khó khăn. Mặt khác, số hộ nghèo, cận nghèo đa số là hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ người già cả, neo đơn nên địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình giảm nghèo. Một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo…
Từng bước khắc phục những tồn tại trên, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Tuyên Hoá xác định mục tiêu tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giảm nghèo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đảm bảo giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo. Huyện tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghèo.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5 - 2%; giải quyết việc làm hàng năm cho 3.200 - 3.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động từ 400 - 450 người; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%. Cùng với đó, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm; hàng năm, thực hiện được ít nhất 2 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách huyện (mỗi dự án từ 250 - 300 triệu đồng); 100% hộ nghèo có khả năng lao động, sản xuất kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định…
Để thực hiện các nội dung của Đề án đạt kết quả cao, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Lương Công Đức cho biết, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giảm nghèo; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu thoát nghèo của hộ nghèo. Tiếp tục lồng ghép các chương trình đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu và tích cực tham gia xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho 3.200 - 3.500 lao động, xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 400 - 450 lao động; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo theo hướng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, phát huy lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với giảm nghèo bền vững. Chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung và nâng cao giá trị gỗ rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Lương Công Đức mong muốn, Chính phủ tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư đáp ứng theo yêu cầu thực tế của địa phương và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác có liên quan kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn trung hạn và cả giai đoạn. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình phù hợp với từng giai đoạn để các địa phương tổ thức thực hiện.