Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:24, 25/10/2019
Họ chính là những người đầu tiên chuẩn bị cho cả gia đình ứng phó với thiên tai và cũng là những người đầu tiên đưa cuộc sống của cộng đồng trở lại ổn định sau khi xảy ra thiên tai.
Phụ nữ là người nắm giữ giải pháp
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Trong các loại hình thiên tai, bão và lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Trung bình hàng năm, Việt Nam chịu từ 7 đến 10 cơn bão, kèm theo đó là mưa lớn gây lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Thiên tai ngày càng cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu và việc phát triển kinh tế-xã hội thiếu bền vững gây thiệt hại nhiều hơn về người, tài sản và ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trung bình hàng năm, thiên tai gây thiệt hại 1,0-1,5% GDP và làm hơn 300 người chết và mất tích.
Trong công cuộc phòng chống thiên tai của đất nước, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Phụ nữ tham gia rất tích cực trong công tác chuẩn bị trước thiên tai, họ là người chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho gia đình, vận động người thân đi sơ tán. Cùng với nam giới, phụ nữ hỗ trợ công tác ứng phó, chăm sóc người già, trẻ em, người bị thương trong thiên tai. Ở nhiều địa phương, phụ nữ được đào tạo tập huấn để tham gia cứu hộ cứu nạn.
Sau thiên tai, phụ nữ là trụ cột chính trong vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả. Vai trò của phụ nữ ngày càng tăng, đặc biệt ở những vùng nông thôn, khi nam giới và thanh niên ra thành phố làm ăn. Ở nông thôn, phụ nữ đóng vai trò chính trong sản xuất nông nghiệp và tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo tại cộng đồng. Bởi vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cần có sự hỗ trợ lớn tới đông đảo phụ nữ đang sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi.
Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn
Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có thành viên chính thức là đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam, góp phần giúp đại diện Hội Phụ nữ ở cơ sở trở thành một thành viên chính thức của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Sự tham gia của Hội Phụ nữ, đại diện cho tiếng nói của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương đã giúp công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những nhóm cộng đồng này.
Cùng với đó, phụ nữ các vùng quê cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức để xây dựng các mô hình, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, vững vàng hơn trước thiên tai. Đơn cử như dự án “Sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” do Quỹ Chanel tài trợ trong 3 năm (từ 2019 – 2021) với trị giá gần 20 tỷ đồng.
Chương trình hướng đến hai mục tiêu. Đó là tăng cường sinh kế, nâng cao năng lực và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai của phụ nữ thông qua triển khai các lựa chọn sinh kế bền vững. Đồng thời, thúc đẩy vai trò, sự tham gia, và khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại cộng đồng.
Có bốn mô hình được lựa chọn hỗ trợ, đó là: hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số Mông tại Lào Cai trồng thâm canh lạc đỏ địa phương ứng phó với xói mòn theo tiêu chuẩn của VietGAP; Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại Lào Cai nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực; hỗ trợ nữ nông dân trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả chịu ảnh hưởng của mưa lũ theo tiêu chuẩn của VietGAP; Hỗ trợ phụ nữ vùng ven biển Quảng Nam tăng cường tính bền vững của sinh kế và sự an toàn khi thu hoạch rong biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.