Xanh hóa sản xuất năng lượng và công nghiệp

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:02, 14/02/2023

(TN&MT) - Là ngành quản lý nhiều lĩnh vực phát thải lớn như năng lượng, công nghiệp, ngành Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính (KNK) từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.

Tái cơ cấu ngành thúc đẩy các ngành công nghiệp sạch

Tại Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra, ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trên cơ sở mục tiêu giảm phát thải, Bộ sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Với vai trò cơ quan quản lý, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động này. Việc tái cơ cấu ngành sẽ triển khai theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

anh-bai.jpg
Bộ Công Thương sẽ triển khai hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp trong các ngành công nghiệp.

Riêng ngành sản xuất điện, sẽ phát triển với định hướng chiến lược tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch. Về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Việt Nam sẽ ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước.

Việc phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ triển khai ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro không gây ô nhiễm môi trường.

Theo Kế hoạch, Bộ cũng sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các mô hình, doanh nghiệp phát triển theo hướng giảm phát thải KNK góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Một số chương trình về dấu vết các-bon, chứng chỉ năng lượng tái tạo, nhãn các-bon sẽ được xây dựng và đề xuất triển khai thí điểm. Bên cạnh đó, sẽ có các cơ chế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải KNK của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Để có cơ sở thực hiện các biện pháp kiểm soát phát thải, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng và ban hành các quy định về hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (Hệ thống MRV), các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về giảm phát thải, kiểm kê KNK cho các lĩnh vực của ngành... Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể thực hiện kiểm kê và quản lý hoạt động giảm phát thải KNK theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Sau khi có đầy đủ các quy định, Bộ sẽ thực hiện nghiêm hoạt động thanh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ kiểm kê, MRV trong thời gian tới.

Thúc đẩy mô hình sản xuất, kinh doanh xanh

Theo Kế hoạch hành động, trong những năm tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy giảm phát thải KNK trong thương mại, dịch vụ và dân cư.

Bộ dự kiến sẽ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về công nghệ phát thải các-bon thấp cho các ngành công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn, cường độ phát thải KNK cao như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, thép, hóa chất, nhựa, dệt may, da giày, giấy... Từ đó, hỗ trợ kết nối nhu cầu đầu tư công nghệ giảm phát thải KNK của doanh nghiệp với các nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế; kêu gọi và tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực đánh giá trình độ công nghệ, đề xuất các giải pháp kỹ thuật chuyển đổi công nghệ theo hướng phát thải các-bon thấp.

Trong sản xuất công nghiệp, các đơn vị sẽ thực hiện các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm tối đa chất thải ra môi trường. Bộ Công Thương dự kiến xây dựng các cơ chế khuyến khích triển khai các giải pháp về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, tái chế, tái sử dụng chất thải trong công nghiệp. Đồng thời, có chính sách phát triển mô hình cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong thiết kế xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp.

Từ những thực hành tốt, Bộ sẽ xây dựng danh mục và hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất cho các ngành công nghiệp theo điều kiện quốc gia và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ. Song song là triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và lộ trình loại bỏ phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới… Việc triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động được kỳ vọng sẽ giúp ngành Công Thương từng bước kiểm soát phát thải KNK đối với các nguồn phát thải KNK lớn, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh trong giai đoạn tới.

Trung Nguyên