Sử dụng cát biển làm nền đường cao tốc: Tiềm năng lớn

Khoáng sản - Ngày đăng : 15:01, 14/02/2023

(TN&MT) - Trong bối cảnh trữ lượng cát sông không đáp ứng đủ nhu cầu san lấp, việc sử dụng cát biển để thay thế là xu hướng tất yếu.

Trước thực tế này, Cục Địa chất Việt Nam đang khẩn trương thực hiện các công việc liên quan đến dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (dự án), giao Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển là đơn vị chủ trì.

Việc triển khai dự án là cấp thiết

Khác với phần đất liền, vùng biển Đồng bằng sông Cửu Long giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Các kết quả điều tra địa chất khoáng sản biển hơn 25 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong đó, tại vùng biển Sóc Trăng đã khoanh định được nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhưng chưa được thăm dò, khai thác sử dụng hiệu quả.

anh-3-chuyen-de-cat-bien.jpg
Điều tra, đánh giá tiến tới khai thác sử dụng cát biển ở vùng biển để thay thế dần cát xây dựng từ đất liền là giải pháp cấp thiết.

Ngoài nhu cầu vật liệu phục vụ các công trình kết cấu hạ tầng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long còn cần rất lớn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ các dự án lấn biển, đê biển, san nền các công trình, phòng chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do tiềm năng cát, sỏi xây dựng, vật liệu san lấp trên đất liền không lớn, không thể đáp ứng được nhu cầu, việc điều tra, đánh giá tiến tới khai thác sử dụng cát biển ở vùng biển để thay thế dần cát xây dựng từ đất liền là giải pháp cấp thiết, khả thi nhất.

Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đánh giá, dự án được triển khai cũng sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ các dự án đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp trong vùng.

Dự án không gây tác động xấu đến môi trường

Là một trong những dự án trọng điểm, có tính đặc thù cao nên dự án nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo Bộ TN&MT. Được biết, trong cuộc họp gần đây về tình hình thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chỉ đạo Cục Địa chất Việt Nam giao Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển nghiên cứu, đánh giá khả năng ảnh hưởng đến môi trường biển khi điều tra, khai thác cát biển.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, đơn vị luôn quan tâm đến công việc này. Ông cho biết, các hoạt động của dự án sẽ có những tác động nhất định đến môi trường, tuy nhiên không gây tác động xấu đến môi trường.

Ông Thành lý giải, các phương pháp kỹ thuật chủ yếu của Dự án như điều tra địa vật lý, địa chất khoáng sản, môi trường là công tác điều tra cơ bản trên biển, không tác động trực tiếp đến đáy biển và có lượng xả thải ra môi trường rất thấp.

Công tác lấy mẫu đáy biển, khoan biển tác động trực tiếp vào đáy biển, nhưng chỉ lấy đi một lượng vật chất nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến địa hình đáy biển. Khoan biển có sử dụng dung dịch khoan, lấy mẫu đáy biển có khả năng phát thải ra môi trường một lượng rất nhỏ bùn sét không có tính độc hại, không có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước.

Ngoài ra, hoạt động của tàu phục vụ khảo sát địa chất, địa vật lý, khoan biển có phát thải ra môi trường dầu mỡ, nhưng lượng phát thải ít. Hoạt động lấy, tập kết, vận chuyển mẫu trên đất liền cũng như trên biển không có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các mẫu được gửi đến các phòng phân tích. Lượng mẫu lưu được lưu giữ theo quy định của ngành.

Công tác gia công, phân tích mẫu được thực hiện ở các phòng thí nghiệm địa chất. Đối với các dạng phân tích xác định thành phần định tính và định lượng của mẫu (trọng sa, thạch học, hóa, cơ lý...) được các phòng phân tích thực hiện theo đúng quy trình và tuân thủ công tác bảo vệ môi trường hiện hành.

Bên cạnh đó, không có hiện tượng chiếm dụng hay sử dụng đất đai nên không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.

QUAN ĐIỂM

Ông Nguyễn Thạc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT:

Nhu cầu sử dụng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn

Hiện nay và trong tương lai hàng chục năm tới, nhu cầu đối với vật liệu san lấp, cát xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất cao. Trong khi đó, các nguồn cung hiện rất thiếu hụt, dẫn đến nhiều hệ lụy, có thể làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Do vậy, Dự án này có tính cấp thiết rất cao, cần sớm được thực hiện để góp phần giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài cho việc phát triển hạ tầng giao thông nói riêng và xây dựng công trình, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Đây là dự án điều tra, đánh giá khoáng sản nhưng có tính đặc thù cao, có nội dung vượt khuôn khổ dự án điều tra, đánh giá khoáng sản (cần có khai thác thử, thí nghiệm sử dụng thử cát đã khai thác và tuyển). Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương để cho phép thực hiện các hoạt động trên.

Cũng cần sớm ban hành đồng bộ các quy định về điều tra, đánh giá và thăm dò cát biển; đánh giá tác động môi trường trong khai thác cát biển và đổ thải trong trường hợp tuyển cát tại chỗ.

Đồng thời, cần sớm ban hành quy định kỹ thuật đánh giá và thăm dò loại hình khoáng sản này nếu việc sử dụng có hiệu quả để làm vật liệu san lấp phục vụ xây dựng đường cao tốc.

Về việc thu thập và sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan, cần thu thập và sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đã được các bộ, ngành nêu trong văn bản góp ý và các kết quả khác, trong đó có đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản rắn từ đáy biển” của tác giả Vũ Trường Sơn (2010 - 2012).

Ông Nguyễn Phương - Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Sử dụng cát đáy biển làm cát xây dựng là giải pháp có tính khả thi cao

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có nhu cầu về vật liệu xây dựng rất cao; đặc biệt nhu cầu cát san lấp phục vụ các dự án làm đường cao tốc đang chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 tại khu vực ước tính trên 36 triệu m3, trong khi nguồn cát sông trong khu vực chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu này. Ngoài việc phục vụ xây dựng hạ tầng, còn cần số lượng lớn cát xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, san lấp lấn biển, xây dựng các khu đô thị…

Tại Hội nghị về Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 vào tháng 8/2020, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng cần đặc biệt ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, cảng biển, sân bay, đường kết nối cảng, tập trung phát triển hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế, giải quyết các điểm nghẽn giao thông, xây dựng các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.

Do đó, nhu cầu về cát xây dựng và san lấp là rất lớn, nhưng tiềm năng cát sỏi xây dựng trong phạm vi đất liền của vùng không nhiều; mặt khác, hoạt động khai thác cát sông gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, nên việc thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm nghiên cứu, khai thác sử dụng nguồn cát đáy biển thay thế dần cát xây dựng trên đất liền là giải pháp hợp lý và có tính khả thi cao.

Mai Đan