Phục hồi sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Thời gian tái thiết có thể kéo dài

Thế giới - Ngày đăng : 14:58, 14/02/2023

(TN&MT) - Vài ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng vẫn gia tăng đến mức kinh ngạc.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái và hình ảnh vệ tinh đã cho thấy thực tế rõ ràng về sự tàn phá trên diện rộng trong khu vực nằm giữa hai quốc gia. Quy mô của thảm họa là rất lớn. Bà Caroline Holt - Giám đốc phụ trách Thảm họa, Khí hậu và Khủng hoảng tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết, quy mô của khu vực bị ảnh hưởng tương đương với diện tích của nước Pháp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng.

Lịch sử lặp lại ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khi các nỗ lực tìm kiếm kết thúc, 2 quốc gia sẽ chuyển sang việc tái thiết lâu dài hơn. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị động đất trong quá khứ. Những trận động đất lớn như vậy không xảy ra thường xuyên, nhưng nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn bị ám ảnh bởi ký ức về trận động đất Izmit năm 1999 ở vùng Marmara.

Ông Ajay Chhibber - nhà kinh tế từng là Giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra cách đây hai thập kỷ cho rằng, trận động đất này giống như một bộ phim tồi tệ quay trở lại. Tương tự như trận động đất vừa xảy ra, cơn chấn động năm đó xảy ra vào đầu giờ sáng nhưng ở phía Tây Bắc của đất nước - một khu vực đông dân cư gần Istanbul. Nó kéo dài khoảng 45 giây, khiến hơn 17.000 người chết và khoảng 500.000 người mất nhà cửa.

anh-1-dong-dat-o-tnk-syria.jpg
Lực lượng cứu hộ sử dụng máy móc hạng nặng để “sàng lọc” đống đổ nát của một tòa nhà bị sập sau vụ động đất ngày 6/2 ở phía Bắc thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: AFP

Theo ông Chhibber, ông chưa từng chứng kiến sự tàn phá lớn như vậy trước đây. Các tòa nhà bị san phẳng là một trong những cảnh tượng kinh khủng mà ông chứng kiến vào năm 1999. Tại thành phố Golcuk, nơi có một căn cứ hải quân, ông nhớ mình đã nhìn thấy những chiếc tàu ngầm bị hất tung lên khỏi mặt nước, nằm ở độ cao khoảng 91 đến gần 122m trên núi.

“Bạn có thể thấy những chiếc tàu ngầm đang đậu ở đó. Thật không thể tin được. Những gì tôi đang thấy bây giờ là những gì được lặp lại”, ông Chhibber chia sẻ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, mục tiêu của chính phủ là xây dựng lại đất nước trong 1 năm, nhưng các chuyên gia nhận định, có thể mất nhiều thời gian hơn.

Một số người băn khoăn về việc liệu mục tiêu tái thiết hiện tại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong 1 năm có thể đạt được hay không khi ông cho hay, hơn 6.000 tòa nhà đã bị sập. Tuy vậy, ông Chhibber đặt niềm tin vào mục tiêu này nếu mọi người chung tay hành động để tái thiết đất nước.

Ông Chhibber đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phục hồi gồm 4 phần sau thảm họa năm 1999, gồm hỗ trợ tiền mặt cho cư dân, hỗ trợ xây dựng lại cơ sở hạ tầng và nhà ở, thiết lập hệ thống bảo hiểm và phát triển hệ thống tổ chức từ cấp quốc gia đến cộng đồng vì nỗ lực phối hợp tổng thể.

Khủng hoảng chồng chất ở Syria

Tại Syria, các nỗ lực tái thiết sẽ còn phức tạp hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cảnh báo, người Syria phải đối mặt với “ác mộng chồng lên ác mộng” và Chương trình Lương thực Thế giới đã mô tả tình hình ở phía Tây Bắc của đất nước này là “thảm họa chồng lên thảm họa”.

LHQ ước tính, hơn 4 triệu người đã phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Syria do quân nổi dậy kiểm soát, khi cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước này kể từ năm 2011.

Ông Ilan Kelman - Giáo sư về thảm họa và sức khỏe tại Đại học College London (Anh) cho biết: “Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có những vấn đề chính trị riêng, nhưng quốc gia này có chính phủ và quân đội tương đối mạnh so với Syria - nơi đang có chiến tranh”.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nguồn lực lớn hơn trước động đất. Ông Kelman nhấn mạnh: “Không quốc gia nào đặc biệt giàu có, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất có nền tảng cơ bản là đất nước này đã không có một cuộc xung đột lớn chia cắt đất nước trong 12 năm. Họ không bị cô lập thông qua các biện pháp trừng phạt”.

Những khác biệt này cho thấy, quá trình phục hồi của Syria có thể sẽ tiến triển theo một mốc thời gian bị hạn chế do thiếu sự phối hợp, các vấn đề có thể không được giải quyết trong thời gian ngắn.
Giám đốc IFRC ước tính, tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn công việc phục hồi sẽ diễn ra trong 2 đến 3 năm, nhưng ở Syria, quá trình tái thiết đất nước có thể sẽ mất từ 5 đến 10 năm.

Lan Chi (Tổng hợp từ CNN)