Thu tiền giữ các-bon từ rừng

Xã hội - Ngày đăng : 17:38, 30/08/2019

(TN&MT) - Trong năm 2020, 4 tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam sẽ tiến hành thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí các-bon (CO2) của rừng. Số tiền thu được sẽ chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng của địa phương.

Trong năm 2020, 4 tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam sẽ tiến hành thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí các-bon (CO2) của rừng. Số tiền thu được sẽ chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng của địa phương.

Dự kiến thu 172 tỷ đồng

Đây là số tiền 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được sau 1 năm thực hiện chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2, theo tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị, khí nhà kính CO2 là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu và rừng được coi như “bể” hấp thụ hiệu quả nhất, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2 ra bầu khí quyển. Nhiều nước trên thế giới đã đề ra cơ chế định giá khí thải CO2 để buộc các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Việc triển khai thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 sẽ khiến nguồn thu DVMTR tăng lên đáng kể, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người trồng rừng, đồng thời tăng hiệu quả công tác bảo vệ rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

t12.jpg
Số tiền thu được đối với dịch vụ hấp thụ các-bon (CO2) của rừng sẽ chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng. Ảnh: MH

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, việc triển khai DVMTR về hấp thụ và lưu giữ các bon phù hợp với xu hướng quốc tế và đi đúng lộ trình thực hiện cam kết của trong giảm phát thải CO2. Điều này cũng góp phần hình thành thị trường tín chỉ CO2 và triển khai cơ chế REDD+ tại Việt Nam.

Các loại rừng được chi trả dựa trên nguyên tắc có tiềm năng hấp thụ và lưu giữ các bon và được duy trì ổn định trong thời gian tương đối dài, bao gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng đặc dụng, phòng hộ. Đối với rừng trồng sản xuất tham gia vào hoạt động này phải là rừng được cấp chứng chỉ.

Để có thêm căn cứ khoa học và minh chứng thực tiễn trình Chính phủ quy định, 4 địa phương sẽ tiến hành thí điểm chi trả dịch vụ này trước khi ban hành áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

t13.jpg
Các doanh nghiệp thí điểm dịch vụ hấp thụ các-bon sẽ được miễn 2 năm tiền chi trả DVMTR. Ảnh: MH

Nhiệt điện than và xi măng đi đầu

Do hạn chế về nguồn lực và thời gian nên việc thí điểm sẽ được triển khai tại 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhiệt điện than và xi măng. Đây là nhóm có lượng phát thải khí nhà kính lớn theo danh mục thuộc Nghị định số 38/2005/NĐ-CP Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Sau thí điểm sẽ có cơ sở để mở rộng nghiên cứu các lĩnh vực khác có tiềm năng phát thải khí nhà kính lớn như: nhiệt điện khí, sản xuất sắt thép, sản xuất vật liệu xây dựng khác.

Dự kiến, mức chi trả cụ thể đối với nhà máy nhiệt điện than là 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2). Đối với xi măng, mức thu là 2.100 đồng/tấn Clinker (tương đương 1,35 USD/tấn CO2). Qua 1 năm, tiền DVMTR từ nhiệt điện than có thể thu về 112 tỷ đồng, với xi măng là 44 tỷ đồng.

Mặc dù tiền chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tuy nhiên kết quả khảo sát nhiều nhà máy nhiệt điện than và xi măng tại 4 tỉnh tiến hành thí điểm cho thấy, mức tăng này vẫn phù hợp với tốc độ tăng giá thành thực tế. Các doanh nghiệp thí điểm sẽ được được miễn 2 năm tiền chi trả DVMTR tính từ năm đầu tiên khi chính sách được áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, có thể xem xét việc cấp giấy chứng nhận các doanh nghiệp tiên phong cắt giảm khí nhà kính nhằm giảm thiểu BĐKH. Đây cũng là yếu tố thu hút người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tham gia thí điểm.  

Vy Huyền