Gia Lai tập trung ổn định dân di cư tự do
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 13/10/2019
Áp lực từ dân di cư tự do
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ năm 2005 đến 2019 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6.324 hộ với hơn 23.000 nhân khẩu di cư tự do (DCTD) từ hầu hết các tỉnh trong cả nước đến sinh sống. Trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Dao, H’Mông…
Thực tế, hầu hết dân DCTD là hộ nghèo, cư trú ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp và bấp bênh. Địa bàn mà dân DCTD chọn đến cũng là các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, địa điểm không tập trung, nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý dân số trên địa bàn.
Mặt khác, các hộ dân DCTD chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp trên đất đai tự khai phá hoặc sang nhượng trái phép, năng suất thấp, đời sống rất khó khăn. Cùng với đó, họ không được tiếp xúc với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, vì thế an sinh xã hội không được đảm bảo dẫn đến thất học, tăng tỉ lệ hộ nghèo và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Theo ông Y Nguyên Ênuôl - Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, các hộ DCTD có xu hướng đi vào những vùng lõi, vùng đệm của các khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nơi giáp ranh giữa các xã, các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, vùng biên giới để cư trú và canh tác.
Ngoài mua bán đất trái phép, các hộ này còn lấn chiếm đất rừng, lấn chiếm đất của người dân tại chỗ, dẫn đến an ninh trật tự không đảm bảo. “Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dân DCTD trên địa bàn không phá rừng làm nương rẫy, không mua bán đất trái phép. Đồng thời giữ gìn an ninh nông thôn, an ninh quốc gia vùng biên giới, giúp các hộ DCTD nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống”, ông Y Nguyên cho biết.
Giúp dân di cư ổn định đời sống
Để ổn định dân DCTD trên địa bàn, trong giai đoạn 2005 - 2018, tỉnh Gia Lai đã lập và thực hiện 06 dự án, phương án ổn định dân DCTD, đã bố trí, sắp xếp ổn định vào quy hoạch được 2.702 hộ, với kinh phí trên 110 tỉ đồng. Ngoài ra, có 3.487 hộ dân DCTD đã tự ổn định được cuộc sống và trở thành dân cư địa phương.
Song song với việc xây dựng quy hoạch ổn định dân DCTD, xây dựng các dự án ổn định dân DCTD trên địa bàn, thì hằng năm Sở NN&PTNT đã tổ chức rà soát số hộ DCTD để có phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đời sống, hỗ trợ y tế, giáo dục…
Để tiến tới ổn định cho toàn bộ số dân DCTD trong năm 2020, hạn chế thấp nhất lượng dân DCTD đến địa bàn, vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi các Bộ, ngành Trung ương đề nghị xem xét, hỗ trợ kinh phí với số tiền gần 7 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ và dân DCTD trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Cụ thể là các hộ được hỗ trợ di chuyển người và tài sản vào khu tái định cư; bố trí đất ở, đất sản xuất theo quy định. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu tái định cư và cộng đồng dân cư xen ghép để phục vụ nhu cầu dân DCTD và cộng đồng dân cư tại chỗ.
Cùng với đó, các hộ được nhập khẩu, triển khai các chế độ, chính sách hiện hành cho các hộ dân và giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng dân cư tại chỗ, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời củng cố an ninh trật tự tại địa bàn có dân DCTD, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Hiện nay, một số hộ dân DCTD tại các huyện Chư Prông, Phú Thiện đã vươn lên phát triển sản xuất, làm giàu trên quê hương mới. Có hộ đã xây được nhà tầng, mua sắm được máy kéo, máy cày để sản xuất nông nghiệp. Đời sống dân DCTD từng bước ổn định, số dân DCTD đã giảm dần qua từng năm. Công tác quản lý dân cư đã chủ động và chặt chẽ hơn”, ông Y Nguyên chia sẻ.