Huyện Cần Giờ (TP.HCM): Giảm nghèo bền vững từ bảo vệ môi trường vùng ngập mặn
Môi trường - Ngày đăng : 10:51, 13/02/2023
Bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Với diện tích hơn 70.000ha (bằng 1/3 diện tích của toàn TP. HCM), Cần Giờ là địa phương đặc biệt vì vừa có 34.000ha rừng ngập mặn, vừa có đường bờ biển trên 20km, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Vì vậy, Cần Giờ có tiềm năng phát triển về nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch, đồng thời cũng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo ông Triển, song song với việc phát triển kinh tế và du lịch thì địa phương đã và đang đối diện bài toán kiểm soát và xử lý lượng rác thải nhựa ngày càng nhiều (túi nilon, chai nhựa...) do chính người dân địa phương và khách du lịch thải ra môi trường. Theo đó, mỗi năm, huyện Cần Giờ có thêm 15.000 tấn rác thải nhựa. Vấn nạn rác thải nhựa đang gây áp lực lên Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2000 - đe dọa “lá phổi xanh” bảo vệ thành phố trọng điểm phía Nam.
Thời gian qua, nhằm giảm thiểu rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa trên địa bàn huyện Cần Giờ, các ban, ngành, đoàn thể của TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động gần gũi và thiết thực để người dân có thể tham gia. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tại địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường; triển khai mô hình "Đổi rác lấy quà tặng", kết hợp vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác, giới thiệu các hoạt động tái chế rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, Cần Giờ cũng đẩy mạnh mô hình hoạt động môi trường trong trường học; mô hình tuyến đường văn minh; mô hình ủ rác hữu cơ…
Tại xã đảo Thạnh An, xã đảo duy nhất của TP.HCM, từ cuối năm 2017, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ Thạnh An triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng nhằm phát huy vai trò của mỗi người dân Thạnh An trong gìn giữ môi trường xã đảo. Đặc biệt, từ tháng 4/ 2019, huyện Cần Giờ đã triển khai Chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn xã Thạnh An.
Sau 3 năm triển khai, Chương trình đã tổ chức 07 lớp tập huấn; thành lập 10 Tổ vận động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy; trao tặng 25.000 túi thân thiện môi trường cho khách du lịch khi đến xã Thạnh An; thu hồi 600kg túi ni- lông khó phân hủy quy đổi 200kg túi thân thiện phát cho người dân sử dụng…
Theo ông Trương Tiến Triển, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay, nhiều tiểu thương, người dân trên địa bàn xã đảo Thạnh An và khách du lịch đã hiểu được tác hại của túi ni -lông, từ đó đã từng bước hạn chế sử dụng. Mục tiêu đến năm 2025, 100% khách du lịch và người dân trên xã đảo Thạnh An không sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Mới đây, UBND huyện Cần Giờ đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh triển khai dự án "Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ". Dự án này nhằm thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng, cá nhân, doanh nghiệp tái chế và chính quyền địa phương trong công tác thu gom, tái chế rác thải, đồng thời thu thập phản hồi về các chính sách cấp quốc gia. Dự kiến dự án này triển khai tới tháng 12-2023 với ba phần chính gồm: đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại địa phương; thiết kế giải pháp, mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng cường năng lực các bên liên quan trong triển khai mô hình và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và quảng bá doanh nghiệp tái chế nhựa.
Giảm nghèo bền vững, vươn tới thành phố biển xanh
Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 và giai đoạn 2021 -2025 của TP.HCM, huyện Cần Giờ đã có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, không để tái nghèo, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2016 -2020, gần 17.800 hộ được vay vốn gần 120 tỷ đồng, 100% thành viên hộ nghèo, cận nghèo được mua bảo hiểm y tế; 8.000 lượt học sinh diện hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí học tập; trung bình hàng năm 100 căn nhà tình thương cho hộ cận nghèo, hộ nghèo được xây mới, sửa chữa;100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt với mức giá bằng mặt bằng chung của thành phố.
Thời gian qua, Cần Giờ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã theo hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới và xóa nghèo bền vững. Tận dụng lợi thế tự nhiên, Cần Giờ khuyến khích và hỗ trợ nông dân chuyển toàn bộ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, nuôi chim yến.
Đồng thời, Cần Giờ đã tập trung phát triển nghề nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh dưới tán rừng để khai thác giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng không làm ảnh hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn và pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản lồng bè trên đất có mặt nước, đất bãi bồi ven sông, ven biển.
Ngày 26/9/2022, Thành ủy TP.HCM ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, đặt mục tiêu: Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường...
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Cần Giờ sẽ đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%...
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết 12 nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, việc quản lý, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới bền vững. Mục tiêu đưa Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.