Sống “lay lắt” trong khu vực lăng vua triều Nguyễn
Xã hội - Ngày đăng : 18:47, 12/02/2023
Tại TP. Huế hiện nay, hơn 30 hộ dân đang sống “tạm” trong khuôn viên An Lăng - nơi chôn cất vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Cuộc sống khó khăn trong những ngôi nhà cũ kĩ, nhếch nhác hàng chục năm khiến ai ai cũng mong mỏi được di dời, tái định cư.
An Lăng rộng khoảng 6 ha, nằm trên đường Duy Tân (phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), là nơi an táng vua Dục Đức, vị vua thứ năm của triều Nguyễn. Ngoài ra, đây cũng là nơi chôn cất thi hài của vua Thành Thái, Duy Tân cùng hoàng hậu và 42 mộ xây của ông hoàng bà chúa, 121 ngôi mộ đất của con cháu
Từ năm 1979, nhiều cán bộ, nhân viên được tạo điều kiện cấp nhà tập thể nằm trong khuôn viên lăng vua Dục Đức để làm nơi ở và sinh sống
Hơn 40 năm qua, 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu vẫn sống tạm bợ trong khuôn viên lăng
Kể từ năm 1993, khi mà Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì cũng là lúc người dân ở An Lăng không thể xây mới nhà cửa, chỉ ở mức tu sửa nhà có giới hạn
Hộ gia đình ông Cao Xuân Hợi cũng thuộc diện được cấp nhà ở tập thể, tính đến nay ông Hợi cùng gia đình sống bên cạnh lăng vua được hơn 40 năm
Ông Hợi nói rằng nhà ông cũng như tất cả các hộ dân khác trong khuôn viên An Lăng đều không được cấp “sổ đỏ”, trong khi đất và nhà ở đều được ông Hợi mua lại với diện tích hơn 60 m2
Nhiều nhà lợp mái tôn, xung quanh được gia cố tạm thời bằng ván gỗ, mùa mưa thì dột, mùa nắng nóng bức
Khuôn viên lăng nhếch nhác với những nhà xưởng cũ bỏ hoang, những bức tường có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào
Trong căn nhà đã xuống cấp, bà Hoa (83 tuổi) tự nấu cơm ăn, ngồi đợi 2 đứa cháu (8 tuổi, 10 tuổi) đi học về. Bố mẹ 2 cháu bán bún ở Quảng Trị mỗi tuần về một lần, để lại 3 bà cháu tự chăm sóc lẫn nhau
Theo UBND phường An Cựu, các hộ dân trong An Lăng là cán bộ từng công tác tại các sở, ngành của tỉnh Bình Trị Thiên cũ (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), được cấp nhà từ 30 - 40 năm trước
Nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn được quan tâm để di dời, tái định cư ổn định cuộc sống, nhất là để các thế hệ con cháu có chốn đi về mà yên tâm làm việc
“Nhìn những hộ ở khu vực Thượng thành, trong kinh thành Huế được di dời, hỗ trợ để có chỗ ở mới mà chúng tôi thấy chạnh lòng...”, một người dân sống trong An Lăng chia sẻ
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện thống kê và đề xuất các cơ quan chức năng sớm có giải pháp di dời những hộ dân sống trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức nhằm sớm trả lại đất và cảnh quan cho di tích
Văn Luân - Văn Dinh