Sơn La: Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm tại xã NTM Cò Nòi
Môi trường - Ngày đăng : 18:27, 11/02/2023
Nạo vét, thanh thải cống thoát nước
Trên địa bàn Tiểu khu 39 và bản Nhạp, xã Cò Nòi có hơn 350 hộ gia đình. Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ gia súc; bụi từ các cơ sở chế biến ngô, mật mía đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ông Cầm Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Tiểu khu 39 rất phức tạp. Các nguồn thải chính đến từ rác thải sinh hoạt, 1 cơ sở sơ chế tinh bột sắn;15 hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 20-200 con, 6 hộ gia đình giết mổ gia súc; 20 hộ sấy ngô, mật mía thủ công.
Để thu gom rác thải, xã đã thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, ký hợp đồng thu gom với Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh Mai Sơn. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa ở đây quá nhanh, việc thu gom nhiều khi chưa đáp ứng hết nhu cầu. Nếu nâng tần suất thu gom thì chưa bố trí được kinh phí. Dẫn đến xuất hiện tình trạng người dân vứt, thải, bỏ rác không đúng quy định.
Chấn chỉnh tình trạng này, xã Cò Nòi đã lắp camera giám sát, cắm biển, cử người giám sát tại điểm gần cổng chợ Cò Nòi - vị trí công dân thường xuyên vứt, thải bỏ rác thải; đã xử lý vi phạm 3 trường hợp. Song, tình trạng vứt, thải bỏ rác trái quy định vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Thời điểm kiểm tra ngày 9/2, trong lòng suối Me Lả đoạn từ Quốc lộ 6 đến cống Tiểu khu 39 có chứa nước thải màu đen, nhiều rác thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, sản xuất. Nước thải theo dòng suối chảy xuống hang Karst nằm cách cống Tiểu khu 39 khoảng 400m.
Sở TN&MT đã lấy 5 mẫu nước, gồm 3 mẫu nước giếng khoan của các hộ gia đình, 1 mẫu nước thải chế biến tinh bột sắn tại cơ sở chế biến tinh bột sắn, 1 mẫu nước thải đọng trên suối Me Lả, để phân tích, đánh giá chất lượng nước.
Tại cuộc họp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Cò Nòi diễn ra ngày 9/2, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Hồng đã yêu cầu Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh Mai Sơn phối hợp với UBND xã thực hiện ngay việc nạo vét, thanh thải khu vực cống 39.
Với cơ sở sơ chế tinh bột sắn, niên vụ 2021-2022, huyện Mai Sơn đã kiểm tra, xử lý, dừng hoạt động 2/3 cơ sở. Niên vụ 2022-2023, còn 1 hộ hoạt động không thường xuyên, có hiện tượng lắp đặt đường ống xả nước thải ra hệ thống thoát nước chung. Trong ngày 9/2, lực lượng chức năng đã yêu cầu tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước thải; chỉ đạo xã Cò Nòi phối hợp với cơ quan chuyên môn lập hồ sơ xử lý các vi phạm của cơ sở.
Khó do đâu?
Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mai Sơn, liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm khu vực này, từ năm 2022 đến nay, huyện đã kiện toàn Đoàn liên ngành của huyện, 17 Tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản với hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã, thị trấn.
Phòng TN&MT đã tham mưu ban hành và ban hành 9 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với xã Cò Nòi. Hàng năm, phối hợp Trung tâm quan trắc TN&MT lấy mẫu nước tại vị trí có nguy cơ ô nhiễm để kịp thời khuyến cáo nhân dân có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh khi sử dụng. Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện Sơn La chưa ban hành Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Chưa có chính sách hỗ trợ di dời chuồng trại, biện pháp xử lý với cơ sở không di dời theo quy định. Người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, việc bố trí quỹ đất, kinh phí di dời gặp rất nhiều khó khăn.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Phải bắt quả tang tổ chức, cá nhân đang thực hiện xả thải và tiến hành đo lưu lượng xả thải, thu mẫu để phân tích chất lượng làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.
Song, việc phát hiện, bắt quả tang các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường lợi dụng đêm tối, trời mưa để xả trộm. Cộng thêm các hộ kinh doanh thường nằm xen lẫn trong khu dân cư, nguồn thải phân tán nhiều, khó xác định chính xác chủ thể phát sinh khí thải vượt quy chuẩn.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận: Để xảy ra ô nhiễm, trách nhiệm trước hết thuộc về xã Cò Nòi.
Thời gian tới, UBND huyện đã giao UBND xã Cò Nòi cắm biển báo “Cấm đổ rác” tại mương thoát nước, đoạn từ quốc lộ 6 đến cống 39. Chỉ đạo bộ phân chuyên môn phối hợp các tiểu khu, bản, Công an xã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chú trọng các cơ sở phát sinh chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm; giám sát việc chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả của các trường hợp vi phạm.
Đưa nội dung cam kết thực hiện công tác môi trường vào hương ước, quy ước của các bản, tiểu khu. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và nhân dân trong giám sát, đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm.
Trước mắt, có thể thành lập các Tổ tự quản về bảo vệ môi trường khu dân cư để thực hiện nhắc nhở, tuyên truyền người dân trong khu vực. Rà soát, tuyên truyền để tăng tỷ lệ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt tập trung.
Về lâu dài, xã Cò Nòi đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến nhân dân, dự kiến sẽ huy động nhân dân đóng góp 1 phần và hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến mương thoát nước từ cống 39 tới tiểu khu 32 với chiều dài 1,8km.
Cùng với đó, UBND huyện giao Tổ công tác do Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng thực hiện nghiêm việc giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện vi phạm. Chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước trên địa bàn quản lý.
Giao Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, TN&MT làm việc với UBND các xã về việc thu giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt có sử dụng nguồn vồn ngân sách nhà nước trên địa bàn.