Tập trung hoàn thành Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng cam kết, mục tiêu đề ra
Đất đai - Ngày đăng : 12:58, 09/02/2023
Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực Bộ và Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án VILG cấp tỉnh tại 30 tỉnh, thành phố tham gia Dự án.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, ngày 30/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, vay vốn Ngân hàng thế giới (dự án VILG) với thời gian thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021. Do yêu cầu mới của công tác xây dựng hệ thống thông tin và trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự án, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án VILG, gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023.
Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, Dự án đã có những đóng góp đáng kể vào công tác quản lý nhà Nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực đối với các hoạt động tại Trung ương và địa phương (công tác giải ngân, đấu thầu, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số …).
“Bước đầu, dự án đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và vận hành theo mô hình tập trung, thống nhất; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và hệ thống một cửa hành chính công góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của địa phương, từng bước chuyển đổi dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai dự án cần khắc phục như: Công tác giải ngân còn thấp và khối lượng công việc cần phải thực hiện còn nhiều; quá trình triển khai dự án VILG gặp nhiều khó khăn do những điều chỉnh về cơ chế tài chính, bố trí vốn, ảnh hưởng của dịch COVID-19, lúng túng trong thực hiện các quy định của nhà tài trợ, năng lực còn hạn chế của các Ban quản lý dự án, của các nhà thầu…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của dự án VILG ở Trung ương cũng như ở địa phương trong năm 2023 là phải tập trung nỗ lực để hoàn thành dự án theo đúng cam kết, đạt được các mục tiêu đã đề ra, góp phần vào công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Báo cáo về tình hình triển khai Dự án ở cấp Trung ương, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương cho biết, Ban đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh việc vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại địa chỉ https://nlis.vilg.gov.vn/.
Đến nay đã hoàn thành kết nối vận hành 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, có 19 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án và có 40 quận huyện, thành phố thuộc 06 tỉnh, thành phố không tham gia dự án kết nối.
Bên cạnh đó, ngày 29/12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Trong 305 huyện đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư có 281 huyện của dự án VILG.
Ngoài ra, về tình hình triển khai các dịch vụ kết nối về đất đai trên hệ thống thông tin đất đai Hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS) và việc quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương: Kết nối liên thông thuế điện tử tại 24/30 tỉnh, thành phố thực hiện Dự án; kết nối hệ thống 1 cửa điện tử tại 18/30 tỉnh; kết nối cổng dịch vụ công quốc gia về dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cấp độ 4 cho 30/30 tỉnh thuộc dự án.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, quá trình triển khai dự án hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác giải ngân còn thấp (dự án có tổng vốn sau điều chỉnh hơn 125 triệu USD, tuy nhiên tính đến ngày 31/1/2023, mới giải ngân được 48,752 triệu USD - đạt 38,8%).
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho 30 tỉnh tham gia dự án cho rằng, Dự án có đóng góp không nhỏ vào công tác quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đồng thời cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục của Dự án. Trong đó sẽ, sớm triển khai các gói thầu, đẩy nhanh việc giải ngân theo đúng quy định của pháp luật…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị UBND các địa phương tham gia dự án tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở TN&MT, Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh lên kế hoạch triển khai Dự án từ nay đến khi kết thúc dự án giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo dự án hoàn thành đầy đủ các nội dung cần thực hiện, kết thúc đúng thời gian yêu cầu và đạt được mục tiêu của dự án mà Chính phủ đã phê duyệt và tuân thủ theo Hiệp định tài trợ đã ký kết.
Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh quyết liệt chỉ đạo, giám sát các nhà thầu trong việc triển khai để đảm bảo đúng tiến độ. “Phải đảm bảo cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng đúng quy định pháp luật và cập nhật, được chỉnh lý thường xuyên”, Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương hướng dẫn địa phương trong việc giải ngân và kết thúc dự án. Đồng thời, hỗ trợ các chuyên gia để triển khai các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ chuyên sâu hỗ trợ về chính sách đất đai và Dự thảo Luật đất đai sửa đổi như: Lộ trình phát triển Hệ thống thông tin đất đai quốc gia bền vững (NLIS); Tích hợp Hệ thống thông tin địa lý và Hệ thống thông tin đất đai (GIS-LIS); Lộ trình chuyển đổi và hiện đại hóa công tác định giá đất đai; Góp ý về các dự thảo Luật đất đai và dự thảo Nghị định thi hành Luật đất; Nghiên cứu về công tác giá đất, thu hồi đất… từ thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với mô hình của Việt Nam.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai và Ban Quản lý Dự án tập trung tháo gỡ một số vướng mắc theo đề xuất của các địa phương, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc các địa phương việc triển khai các hạng mục của Dự án; chuẩn bị cho việc kết thúc Dự án theo đúng quy định của pháp luật...